Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 07-01-2022 12:08am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi – IVFMD Tân Bình
 
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chẩn đoán vô sinh nam thường dựa trên các thông số về mật độ, tỷ lệ di động và hình dạng. Tuy nhiên, các thông số này dường như là chưa đủ để tiên lượng khả năng sinh sản của nam giới. Thêm vào đó, gần 50% trường hợp cặp vợ chồng vô sinh có nguyên nhân đến từ yếu tố nam. Trong khi những ảnh hưởng từ công việc, môi trường và di truyền được cho là nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh nam, thì nguy cơ từ virus như nhiễm HPV (human papillomavirus) cho tới hiện nay mới được chú ý. Mặc dù nhiễm HPV là một trong những bệnh nhiễm virus phổ biến nhất trên thế giới nhưng nó có thể gây ra ung thư. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy vô sinh nam hay cặp vợ chồng vô sinh có thể đã nhiễm HPV ở một hoặc cả hai người. Ngoài ra, xác suất nhiễm HPV trong suốt cuộc đời của người có ít nhất một bạn tình trung bình vào khoảng 84,6% ở nữ giới và 91,3% ở nam giới. Hơn 80% cả nam và nữ từng nhiễm HPV ở độ tuổi 45. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng liệu tinh trùng nhiễm HPV có thể liên quan đến tình trạng “vô sinh nam không rõ nguyên nhân” với các chỉ số tinh dịch bình thường hay không.
 
Tại tử cung, cơ chế nhiễm HPV được chia làm hai con đường: Thứ nhất là con đường không lây nhiễm tức tế bào bị biến đổi gây ra ung thư; thứ hai là con đường lây nhiễm do sản sinh ra virion. Ngược lại, trong tinh trùng, chỉ tồn tại duy nhất con đường lây nhiễm qua virion và có giới hạn về thời gian. Điều này là do virion HPV chỉ có thể được tạo ra trong các tế bào không phân chia có tuổi thọ giới hạn trong 4 tuần. Các virion HPV có thể liên kết với thụ thể syndecan-1 tại hai vị trí riêng biệt dọc theo đường xích đạo của đầu tinh trùng. Do đó, nó có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến các thông số của tinh trùng, tổn hại DNA cũng như tác động đến sự tương tác giữa các giao tử gây nên vô sinh tạm thời. Trước đây, trong một nghiên cứu tiến cứu không can thiệp đa trung tâm đã chỉ ra rằng hơn 66/100 tinh trùng khảo sát trong mẫu ban đầu có sự xuất hiện của virion HPV và đều cho kết quả không mang thai khi thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào tử cung (IUI).
 
Mối liên hệ giữa tổn thương DNA và kết quả sinh sản giảm đã dẫn đến việc đưa xét nghiệm tính toàn vẹn của DNA tinh trùng vào đánh giá lâm sàng về vô sinh nam. Tuy nhiên, việc phân tích tính toàn vẹn DNA tinh trùng vẫn còn nhiều tranh cãi và chỉ một số ít phòng khám thực hiện kỹ thuật này. Xét nghiệm cấu trúc nhiễm sắc thể của tinh trùng (sperm chromatin structure assay –  SCSA) lần đầu tiên được mô tả bởi Evenson và cộng sự (1980). Cụ thể, tỷ lệ tinh trùng có DNA phân mảnh được thể hiện qua chỉ số phân mảnh DNA (DNA fragmentation index –  DFI). Ngoài ra, kỹ thuật này còn được chứng minh là có thể sử dụng như một yếu tố dự đoán độc lập cho kết quả thành công của IUI. Mặc dù SCSA được cho là xét nghiệm ổn định nhất để tham khảo khả năng sinh sản nhưng mức giới hạn lâm sàng của DFI trong tinh dịch dẫn đến giảm tỷ lệ thai lâm sàng lại dao động từ 25% đến 30%. Bài nghiên cứu này nhằm mục đích xác định ngưỡng giá trị của chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) cho kết quả thai lâm sàng khi thực hiện IUI cũng như ảnh hưởng của HPV lên DNA tinh trùng và kết quả mang thai.
 
Tiến cứu đa trung tâm không can thiệp này được thực hiện từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 11 năm 2018 với 161 cặp vợ chồng vô sinh trải qua 209 chu kỳ IUI tại các trung tâm sinh sản ở Flanders, Bỉ. Cụ thể, trong 161 cặp vợ chồng vô sinh (209 chu kỳ) thì có 152 phụ nữ được thụ tinh với tinh trùng của người chồng (190 chu kỳ) và 9 phụ nữ sử dụng tinh trùng được hiến tặng (19 chu kỳ). Xét nghiệm SCSA để đo chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) và xét nghiệm DNA của HPV với PCR định lượng được tiến hành trước khi tinh trùng được sử dụng cho IUI. Tỷ lệ thai lâm sàng được dùng làm kết cục chính nhằm phân tích tác động đến kết quả sinh sản và tính giá trị ngưỡng lâm sàng cho DFI.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, qua phân tích ROC, ngưỡng giá trị lâm sàng cho DFI là 26%. Trường hợp chồng có DFI > 26% cho kết quả thai lâm sàng thấp hơn đáng kể so với các cặp vợ chồng mà chồng có DFI ≤ 26% (OR 0,0326; KTC 95%, 0,0019 – 0,5400; p = 0,017). Tỷ lệ tinh trùng nhiễm HPV là 14,8% trên một chu kỳ IUI. Các mẫu tinh trùng chứa HPV có DFI cao hơn đáng kể so với các mẫu tinh trùng âm tính với HPV (29,8% so với 20,9%; p = 0,011). Khi virus HPV có mặt trong tinh trùng, không có trường hợp mang thai lâm sàng nào được quan sát thấy. Bên cạnh đó, hơn 1/5 số mẫu có thông số tinh dịch bình thường (17/78; 21,8%) có DFI cao hoặc dương tính với HPV.
 
Tóm lại, nghiên cứu này đã chứng minh được mối liên hệ chặt chẽ giữa sự hiện diện của virion HPV với sự gia tăng phân mảnh DNA của tinh trùng, dẫn đến tỷ lệ thai lâm sàng sau chu kỳ IUI giảm mạnh. Điều này càng khẳng định rằng DFI là một yếu tố dự đoán chắc chắn về khả năng mang thai lâm sàng khi thực hiện IUI. Nếu DFI vượt quá 26%, khả năng mang thai lâm sàng sẽ ít hơn và nên cân nhắc kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Nguồn: Depuydt C, Donders G, Verstraete L, Beert J, Salembier G, Bosmans E, Dhont N, Kerkhofs C, Ombelet W. Negative Impact of Elevated DNA Fragmentation and Human Papillomavirus (HPV) Presence in Sperm on the Outcome of Intra-Uterine Insemination (IUI). Journal of Clinical Medicine. 2021; 10(4):717. https://doi.org/10.3390/jcm10040717

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK