Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 02-01-2022 12:20am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Vân Anh – IVF Vạn Hạnh
 
Thừa cân và béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây ra suy giảm sức khỏe. Chỉ số khối cơ thể (Body mass index – BMI) trên 25 kg/m2 được coi là thừa cân và chỉ số BMI trên 30 kg/m2 được coi là béo phì. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự đoán rằng khoảng 20% người trưởng thành trên toàn thế giới sẽ bị béo phì vào năm 2025. Chỉ số BMI tăng cao là một yếu tố nguy cơ gây các bệnh như tim mạch, rối loạn cơ xương và một số loại ung thư. Bên cạnh đó, béo phì gây ra tình trạng viêm mô mỡ dẫn đến tăng sản xuất các adipokine tiền viêm như interleukin-6 (IL-6), yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α) và các axit béo tự do (FFAs) có thể gây ra đề kháng insulin và tăng insulin. Việc tăng insulin trong máu góp phần làm tăng androgen dư thừa dẫn đến rối loạn chức năng phóng noãn của cơ thể người phụ nữ. Do đó, chỉ số BMI tăng cao cũng có thể khiến phụ nữ có nguy cơ bị suy giảm khả năng sinh sản và ảnh hưởng đến kết quả mang thai, đặc biệt là ở những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh – hiếm muộn bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản.
 
Tác động có hại của chỉ số BMI cao ở phụ nữ điều trị ART đã được nghiên cứu rộng rãi và xem xét thận trọng tại các phòng khám. Tuy nhiên, BMI của cả vợ và chồng là đối tượng được quan tâm trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) thay vì từng cá nhân riêng lẻ. Nghiên cứu trước đây cho thấy những cặp vợ chồng với chỉ số BMI của nữ cao có tỷ lệ sinh sống (Live birth rate – LBR) thấp hơn so với những cặp vợ chồng có chỉ số BMI bình thường trong các chu kỳ IVF. Bên cạnh đó, Petersen và cộng sự (2013) cũng phát hiện chỉ số BMI cao có ảnh hưởng tiêu cực đến LBR. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều bị hạn chế do thiếu các đánh giá về tỷ lệ sinh sống tích tũy (Cumulative live birth rate – CLBR), một chỉ số cho thấy khả năng thành công của ART được khuyến nghị trong những năm gần đây. Do đó, Zhao và cộng sự (2021) tiến hành đánh giá các tác động tổng hợp của BMI của cả phụ nữ và nam giới đối với tỷ lệ mang thai tích lũy sau lần kích thích buồng trứng đầu tiên.
 
 
Phương pháp: Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu với dữ liệu bệnh nhân được thu thập từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 6 năm 2016 tại Hà Nam, Trung Quốc. Tổng cộng 14.182 cặp vợ chồng trải qua lần kích thích buồng trứng đầu tiên (IVF/ICSI), được theo dõi trong suốt 2 năm kết quả sinh sống trong chu kỳ tươi và chuyển phôi trữ tiếp theo. Tiêu chí loại trừ khỏi nghiên cứu bao gồm: Chu kỳ sử dụng noãn hoặc tinh trùng hiến tặng, thực hiện các xét nghiệm di truyền tiền làm tổ. Bệnh nhân được chia làm ba nhóm: Nhóm chứng (BMI < 24 kg/m2), nhóm thừa cân (BMI ≥ 24 kg/m2) và nhóm béo phì (BMI ≥ 28 kg/m2). Kết quả chính được ghi nhận là tỷ lệ sinh sống tích lũy, được định nghĩa là có ít nhất một ca sinh sống trong chu kỳ tươi hoặc các chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo sau lần kích thích buồng trứng đầu tiên. Kết quả phụ là tỷ lệ thai lâm sàng tích lũy (Cumulative clinical pregnancy rate – CCPR).
 
Kết quả
Tổng cộng có 14.182 cặp vợ chồng được nhận vào nghiên cứu và có 11.257 người có ít nhất một lần sinh con. Các đặc điểm lâm sàng của nhóm chứng về nồng độ FSH và LH huyết thanh cao hơn và AFC thấp hơn các nhóm khác (p < 0,05). Đồng thời, hội chứng buồng trứng đa nang phổ biến hơn ở nhóm thừa cân, béo phì so với nhóm chứng (p < 0,05).
 
Phân tích riêng lẻ: Ở nữ giới, các CLBR của nhóm thừa cân và béo phì là tương đương và thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng. Trong đó, nhóm thừa cân có CLBR giảm 17% (95% KTC, 0,75 – 0,92) và nhóm béo phì giảm 24% (95% KTC, 0,64 – 0,90) so với nhóm chứng. Trong số nam giới, nhóm thừa cân có CLBR giảm 9% so với nhóm chứng (95% KTC, 0,83 – 0,99). Ảnh hưởng của béo phì ở nhóm nam giới đối với CLBR không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
 
Phân tích kết hợp: Kết quả ghi nhận những cặp vợ chồng trong đó nam thuộc nhóm chứng hoặc thừa cân và nữ thừa cân hoặc béo phì có CLBR thấp hơn so với những cặp vợ chồng trong đó cả nam và nữ có BMI < 24 kg/m2.
 
Bàn luận: Nghiên cứu này đã chứng minh chỉ số BMI tăng có liên quan tiêu cực đến CCPR và CLBR. Kết quả cũng được ghi nhận tương tự trong một nghiên cứu hồi cứu khác từ 239.137 chu kỳ IVF cho thấy tỷ lệ mang thai và LBR giảm khi BMI tăng lên. Đối với nam giới trong nghiên cứu này cho thấy CLBR chỉ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng thừa cân. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chỉ số BMI ở nam giới đến kết quả ART vẫn còn nhiều tranh cãi như trong báo cáo của Hu và cộng sự không tìm thấy mối liên quan. Khi phân tích tác động tổng hợp của BMI cả nam và nữ thấy rằng chỉ số BMI của nữ tăng lên có tác động tiêu cực đến CLBR bất kể nam thuộc nhóm chứng hay thừa cân. Đồng thời, kết quả điều trị còn tệ hơn khi cả hai vợ chồng đều thừa cân.
 
Điểm mạnh của nghiên cứu là đánh giá tác động tổng hợp của chỉ số BMI lên kết quả mang thai tích lũy sau lần kích thích buồng trứng đầu tiên mà hầu hết các nghiên cứu khác chưa phân tích. Đồng thời, với cỡ mẫu lớn cho phép ước tính chính xác hơn. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế trong nghiên cứu như thiết kế nghiên cứu là hồi cứu, các dữ liệu về tình trạng sức khỏe (hút thuốc, uống rượu, tiểu đường,…) không được ghi nhận nên có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Bên cạnh đó, các chỉ số tinh dịch đồ không được theo dõi cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả ART.
 
Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng chỉ số BMI ở cả nữ và nam thừa cân, cả riêng lẻ hay kết hợp đều có tác động tiêu cực đến kết quả mang thai tích lũy sau lần kích thích buồng trứng đầu tiên dẫn đến CLBR cũng thấp hơn. Do đó, quản lý chỉ số BMI của hai vợ chồng bằng cách giảm cân và thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp cải thiện kết quả mang thai trong điều trị IVF.
 
Nguồn: Zhao, Z., Jiang, X., Li, J., và cộng sự (2021). The Combined Impact of Female and Male Body Mass Index on Cumulative Pregnancy Outcomes After the First Ovarian Stimulation. Frontiers in endocrinology, 12, 735783.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK