Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 20-12-2021 4:07pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Tổng quan
Mối tương quan giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và khả năng sinh sản ngày càng được quan tâm. Các tác động tiêu cực của thừa cân/béo phì lên kết quả thai kỳ đã được nhiều nghiên cứu chứng minh, bao gồm các rối loạn điều hòa trục hạ đồi- tuyến yên- buồng trứng; rối loạn rụng trứng, thất bại làm tổ, tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu và tiền sản giật. Đối với những bệnh nhân thực hiện hỗ trợ sinh sản, BMI cao có thể làm tăng liều gonadotropin để kích thích buồng trứng, có nguy cơ quá kích buồng trứng và sẩy thai tăng cao, tăng tỉ lệ ung thư và giảm số lượng noãn thu nhận được. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng một số báo cáo cho thấy phụ nữ thừa cân có nguy cơ không rụng trứng trong chu kỳ kinh và khả năng sinh sản thấp hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Mối quan hệ giữa bệnh nhân có chỉ số BMI thấp và kết quả IVF cũng còn gây nhiều tranh cãi, hầu hết các nghiên cứu đánh giá về mối tương quan này đều bị giới hạn bởi cỡ mẫu nhỏ.
Các nghiên cứu quan sát và phân tích gộp về mối tương quan giữa kết quả IVF và thừa cân/béo phì ở nữ giới ngày càng tăng, một số nghiên cứu báo cáo rằng tỉ lệ sinh sống giảm đáng kể ở những bệnh nhân béo phì (BMI ≥ 30 kg/m2) so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường (BMI 18,5 – 24,9 kg/m2). Hiện nay, chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (FET) cho phép bệnh nhân linh hoạt về thời gian chuyển phôi nên được thực hiện phổ biến hơn so với chu kỳ chuyển phôi tươi. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về mối tương quan giữa kết quả FET và BMI cho đến hiện tại vẫn còn mâu thuẫn nhau về kết quả. Do đó, Jiaqi Yang và cộng sự (2021) đã tiến hành thực hiện tổng quan hệ thống và phân tích gộp này nhằm đánh giá mối tương quan giữa chỉ số BMI và kết quả thai bao gồm tỉ lệ sinh sống, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai lâm sàng sau FET. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn phân tích trên các phân nhóm như chu kỳ chuyển phôi, đặc điểm buồng trứng và phân loại BMI. Mối tương quan giữa nhẹ cân và tỉ lệ trẻ sinh sống cũng được nghiên cứu.
 
Phương pháp
Tổng quan thu thập số liệu từ những nghiên cứu với các từ khoá : “FET”, “chuyển phôi đông lạnh”, “chuyển phôi nang đông lạnh”, “ chỉ số khối cơ thể”, “béo phì”, “thừa cân”, “kết quả thai”, “tỉ lệ sinh sống”, “kết quả sản khoa”, “kết quả chu sinh”… Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BMI bất thường được định nghĩa là BMI ≥ 25 kg/m2 (béo phì) hoặc BMI ≤ 18,5 kg/m2 ( nhẹ cân).
 
Kết quả
Bài tổng quan thu nhận và phân tích số liệu từ 12 nghiên cứu đủ tiêu chuẩn khi đánh giá mối tương quan giữa BMI với tỉ lệ sinh sống. Hầu hết các nghiên cứu đều phân loại BMI theo hướng dẫn của WHO là nhẹ cân (BMI < 18,5 kg/m2), cân nặng bình thường ( ≥ 18,5 BMI < 24,9 kg/m2 ), thừa cân (≥ 25 kg/m2 ) và béo phì (BMI ≥ 30 kg/m2). Về mối tương quan giữa tỉ lệ trẻ sinh sống và mức BMI cao, nghiên cứu cho thấy BMI ≥ 25 kg/m2 có tác động tiêu cực đến tỉ lệ trẻ sinh sống (OR: 0,89, KTC 95%  0,82 – 0,96, P = 0,002, I2 40%) so với nhóm có BMI bình thường. Phân tích trên từng phân nhóm dựa vào tiêu chuẩn BMI cho thấy không có mối tương quan giữa BMI cao và tỉ lệ trẻ sinh sống khi ngưỡng giá trị là 25 kg/m2 (OR: 0,91, KTC 95%, 0,82 – 1,02, P = 0,10, I2 = 41%). Phân tích phân nhóm dựa vào số chu kỳ chuyển phôi trữ được thực hiện cho thấy BMI cao chỉ tác động tiêu cực đến chu kỳ chuyển phôi trữ đầu tiên chứ không ảnh hưởng lên tất cả các chu kỳ. Các nghiên cứu tiến hành phân tích trên tổng số 36506 chu kỳ chuyển phôi trữ cho thấy tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn đáng kể ở những phụ nữ có BMI cao so với những phụ nữ có cân nặng bình thường (OR: 0,87, KTC 95%, 0,83 – 0,92, P < 0,001, I2 = 0%). Khi phân nhóm dựa trên đặc điểm buồng trứng như buồng trứng đa nang (PCOS), không PCOS… một số nghiên cứu báo cáo rằng ở những bệnh nhân PCOS có tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn so với những phụ nữ có cân nặng bình thường (OR: 0,80, KTC 95%, 0,70 – 0,92, P = 0,001, I2 = 15%). Đa số các nghiên cứu đánh giá trên bệnh nhân PCOS đều chỉ ra rằng phụ nữ PCOS gặp tác động bất lợi lên tỉ lệ trẻ sinh sống khi có BMI cao hơn so với những phụ nữ không PCOS. Đánh giá trên kết quả thai, 9 nghiên cứu phân tích trên 37.291 chu kỳ cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ thai lâm sàng giữa nhóm bệnh nhân có BMI cao và nhóm có cân nặng bình thường (OR: 0,95, KTC 95%, 0,87 – 1,04, P = 0,29, I2 = 47%). Hơn nữa, 5 nghiên cứu báo cáo rằng không có sự khác biệt về tỉ lệ làm tổ giữa 2 nhóm khi đánh giá trên 61,345 chu kỳ chuyển phôi. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn thực hiện phân tích dữ liệu để đánh giá tác động của nhẹ cân (BMI < 18,5 kg/m2) lên trẻ sinh sống. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ trẻ sinh sống ở những phụ nữ nhẹ cân so với phụ nữ có cân nặng bình thường (OR: 0,94, KTC 95%, 0,85 – 1,04, P = 0,24, I2 = 39%).
 
Kết luận
Trong bài tổng quan hệ thống và phân tích gộp này, dữ liệu từ 12 nghiên cứu đều chứng minh rằng BMI cao không tác động đến kết quả thai sớm như tỉ lệ làm tổ hay tỉ lệ thai lâm sàng nhưng có tương quan với việc giảm tỉ lệ trẻ sinh sống trong chu kỳ chuyển phôi trữ của bệnh nhân. Tuy nhiên BMI thấp không ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân. Nghiên cứu còn chứng minh được rằng BMI cao kết hợp với PCOS có thể tác động xấu hơn đến kết quả điều trị của bệnh nhân. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuyển phôi nang ở những phụ nữ có BMI cao là một phương pháp mang lại hiệu quả đáng kể hơn chuyển phôi phân chia. Kết quả nghiên cứu cung cấp chứng cứ y văn hữu ích cho bệnh nhân có BMI cao và bác sĩ của họ trong việc cá nhân hoá quy trình quản lý và điều trị giảm cân cho bệnh nhân trước khi thực hiện IVF. Nghiên cứu khuyến cáo cần phải thảo luận thêm về chế độ dinh dưỡng và tập luyện để tối ưu hoá sức khoẻ tiền sản trên những phụ nữ có BMI cao.
 
Nguồn: Jiaqi Yang và cộng sự (2021). Association between abnormal body mass index and pregnancy outcomes in patients following frozen embryo transfer: a systematic review and meta-analysis. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-021-00809-x.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK