Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 13-12-2021 10:39am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình

Trữ lạnh noãn ngày càng trở nên phổ biến do nhiều phụ nữ ngày càng trì hoãn việc lập gia đình. Bằng cách trữ lạnh noãn khi tuổi còn trẻ, phụ nữ hi vọng có thể tối ưu hoá khả năng sinh sản của mình khi sử dụng noãn rã đông trong tương lai. Do đó, việc bảo tồn các đặc điểm hình thái, chức năng và tính nguyên vẹn của bộ máy di truyền ở noãn là điều quan trọng. Thoi vô sắc của noãn là cấu trúc nhạy cảm với những thay đổi của môi trường, đặc biệt các sợi vi ống có thể bị khử polyme hóa bởi các dao động nhiệt độ rất nhẹ. Bất thường thoi vô sắc có thể gây ra sự phân chia bất thường giữa các nhiễm sắc thể trong noãn, làm gia tăng tỷ lệ phôi lệch bội. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng stress vật lý trong quá trình thủy tinh hóa noãn có thể ảnh hưởng đến cấu hình nhiễm sắc thể và tính toàn DNA và được đề xuất để xác định điều kiện tối ưu. Tuy nhiên, một số tác giả khác lại cho rằng trữ lạnh noãn không làm gia tăng thể lệch bội ở phôi, tỷ lệ làm tổ và sinh sống so với phôi có nguồn gốc từ noãn tươi. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của kỹ thuật trữ lạnh noãn đến tình trạng nhiễm sắc thể của phôi.
 
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 4-2015 đến tháng 4-2018. Tổng cộng có 383 noãn từ 29 chu kỳ ART được sử dụng. Trong đó 262 noãn tươi từ 19 chu kỳ (nhóm A) và 121 noãn trữ từ 11 chu kỳ (nhóm B). Noãn sau khi chọc hút sẽ được loại bỏ tế bào quanh noãn bằng hyaluronidase. Noãn trưởng thành (MII) sẽ được ICSI trong khoảng 4-5h sau chọc hút (noãn tươi) hoặc 1-2h sau rã đông (noãn trữ). Phôi sẽ được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang. Phôi nang được tiến hành sinh thiết, sử dụng hệ thống laser cùng với kim chuyên dụng lấy khoảng từ 5 đến 7 tế bào lá nuôi phôi (Trophectoderm - TE) để phân tích di truyền lệch bội.
 
Kết quả và bàn luận: Số tế bào noãn trưởng thành trung bình ở nhóm A là 16,67 ± 6,25 và ở nhóm B là 15,00 ± 4,32. Tỷ lệ sống sau rã đông là 96,0% đối với nhóm noãn trữ. Tỷ lệ thụ tinh không có sự khác biệt giữa hai nhóm noãn trữ và noãn tươi (83,1% so với 84%). 87,6% phôi ngày 3 tiếp tục phát triển ở nhóm A và 69,7% trong số đó có chất lượng hình thái cao. Ở nhóm B, 88,2% phôi đạt đến giai đoạn phôi phân chia và 67,7% trong số đó có hình thái bình thường. Số lượng phôi ngày 3 không có sự khác biệt giữa hai nhóm (p> 0,05). Số lượng phôi nang từ nhóm noãn trữ ít hơn so với noãn tươi, tuy nhiên, các đặc điểm hình thái thì tốt hơn.
 
Tỷ lệ phôi lệch bội giữa hai nhóm không có sự khác biệt (54,1% so với 55,8%). Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy tác động của trữ lạnh lên tỷ lệ lệch bội của các nhiễm sắc thể là khác nhau. Trữ lạnh làm tăng tỷ lệ lệch bội của nhiễm sắc thể số 13 (Nhóm B là 36,2% vs nhóm A là 10,5%) và làm giảm tỷ lệ trên nhiễm sắc thể 18 và nhiễm sắc thể giới tính. Quá trình trữ lạnh có ảnh hưởng đáng kể đến sự phân bào của chu kỳ thứ hai của hợp tử từ đó có thể làm gia tăng hoặc giảm tỷ lệ lệch bội trên một số nhiễm sắc thể. Theo phân loại Pauta, nhiễm sắc thể số 13 thuộc nhóm nhiễm sắc hướng tâm lớn (large acrocentric chromosome), đây là nhóm có sự khác biệt lớn về chiều dài của hai cánh, điều này có thể gây rối loạn trật tự các sợi vi ống, làm ảnh hưởng tới sự phân li của nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào từ đó gia tăng tỉ lệ lệch bội. Trong khi đó, nhiễm sắc thể số 18 và giới tính là những nhiễm sắc thể cận trung tâm (submetacentric) hoặc trung tâm (metacentric) nên ít bị ảnh hưởng hơn trong quá trình phân li. Ngoài ra, quá trình trữ lạnh là một quá trình chọn lọc, những phôi bất thường các nhiễm sắc thể này có thể không phát triển được tới giai đoạn phôi nang, vì vậy làm giảm tỷ lệ lệch bội trên các nhiễm sắc thể. Đây là những thông tin mới có thể được sử dụng để tư vấn các cặp vợ chồng hiếm muộn.
 
Kết luận: Quá trình trữ lạnh có ảnh hưởng lên một số nhiễm sắc thể nhất định trong noãn.
 
Nguồn: Buderatska, N., Gontar, J., Ilyin, I., Lavrinenko, S., Petrushko, M., & Yurchuk, T. (2020). Does human oocyte cryopreservation affect equally on embryo chromosome aneuploidy?. Cryobiology, 93, 33-36.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK