Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-12-2021 10:02pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Vân Anh – IVF Vạn Hạnh

Trong những năm gần đây, những đổi mới trong công nghệ đông lạnh từ đông lạnh chậm sang đông lạnh thủy tinh hóa đã thu hút được sự chú ý rộng rãi. Với những ưu điểm vượt trội nhờ làm giảm đáng kể sự hình thành tinh thể đá bên ngoài và bên trong tế bào từ đó giúp làm giảm mức độ tổn thương và nguy cơ ngưng phát triển của phôi. Đồng thời, thủy tinh hóa làm giảm quá trình apoptosis và duy trì tính toàn vẹn của DNA. Thêm vào đó, những đánh giá hệ thống cho thấy tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ mang thai cải thiện đáng kể khi sử dụng đông lạnh phôi bằng thủy tinh hóa.
 
Phương pháp chuyển phôi đông lạnh – rã đông (Frozen-thawed embryo transfer – FET) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh FET giúp cải thiện tỷ lệ mang thai tích lũy, tỷ lệ sinh sống, tránh những rủi ro liên quan đến việc chọc hút noãn và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên, FET sau chiến lược trữ lạnh toàn bộ phôi cho thấy không cải thiện tỷ lệ sinh sống ở những người phụ nữ đáp ứng bình thường với kích thích buồng trứng nhưng có cải thiện ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
 
Mặc dù đã có trường hợp sinh sống nhờ chuyển phôi đông lạnh được bảo quản tới 20 năm nhưng tác động của việc bảo quản nhiệt độ thấp, lâu dài đối với khả năng làm tổ, kết quả mang thai chưa thể kết luận. Các nghiên cứu hiện tại vẫn còn nhỏ và mâu thuẫn về ảnh hưởng lâu dài của phôi đông lạnh. Do đó, Zhang và cộng sự (2021) đã đánh giá tác động của thời gian bảo quản lạnh đến kết quả sinh sản của những người phụ nữ trải qua chu kỳ FET đầu tiên với chiến lược trữ lạnh toàn bộ phôi.
 
Phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm được thực hiện tại bốn trung tâm hỗ trợ sinh sản ở miền bắc Trung Quốc. Tổng cộng 17.826 phụ nữ trải qua điều trị FET đầu tiên sau khi được đông lạnh toàn bộ phôi từ năm 2014 đến năm 2018. Tiêu chí loại trừ gồm các chu kỳ thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, noãn/tinh trùng hiến tặng, đã chuyển phôi hoặc không có phôi để chuyển. Bệnh nhân được chia thành năm nhóm theo thời gian bảo quản lạnh phôi: 3 – 8 tuần, 8 – 12 tuần, 12 – 26 tuần, 26 – 52 tuần và >52 tuần. Hồi quy Poisson và hồi quy logistic đa biến được sử dụng để đánh giá mối liên hệ giữa thời gian đông lạnh của phôi thủy tinh hóa và kết quả chuyển phôi. Hơn nữa, phân tích phân tầng sâu hơn cũng được thực hiện.
 
Kết quả: Thời gian bảo quản lạnh phôi trung bình 13,53 ± 12,81 tuần và 92,8% bệnh nhân trải qua FET đầu tiên trong vòng 26 tuần. Kết quả về tỷ lệ mang thai lâm sàng và sinh sống lần lượt là 58,0% và 46,81%. Kết quả phân tích hồi quy đa biến cho thấy thời gian bảo quản lạnh ảnh hưởng đến khả năng mang thai sinh hóa, thai lâm sàng và sinh sống (p < 0,001) nhưng không liên quan đến thai ngoài tử cung và sẩy thai.
 
Phân tích phân tầng
-       Khi đánh giá theo nhóm tuổi (< 30 tuổi, 30 – 35 tuổi, 36 – 40 tuổi và > 40 tuổi) cho kết quả thời gian bảo quản lạnh có liên quan tiêu cực đến kết quả mang thai và sinh sống ở phụ nữ < 40 tuổi, nhất là ở phụ nữ 30 – 35 tuổi (p < 0,001). Tuy nhiên, không quan sát thấy mối liên hệ với nhóm phụ nữ > 40 tuổi.
-       Khi đánh giá theo chất lượng phôi chuyển, kết quả chỉ ra rằng thời gian đông lạnh không ảnh hưởng đến kết quả mang thai của các chu kỳ chuyển phôi phân chia nhưng có tương quan nghịch với nhóm chuyển phôi nang.
-       Khi đánh giá thời gian bảo quản lạnh với bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng khác nhau (< 4 noãn, 4 – 9 noãn, 10 – 15 noãn, > 25 noãn) cho thấy mối liên quan tiêu cực với phụ nữ có đáp ứng buồng trứng dưới mức tối ưu hoặc cao hơn (> 3 noãn).
 
Kết luận: Nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm lớn cho thấy bảo quản lạnh kéo dài có liên quan đến khả năng mang thai và sinh sống thấp hơn ở những người phụ nữ được chỉ định trữ lạnh toàn bộ phôi. Đồng thời, các phân tích phân tầng cũng chỉ ra mối tương quan có ý nghĩa trong quần thể con với các đặc điểm như: (1) ít hơn 40 tuổi, (2) >3 noãn, (3) chỉ chuyển phôi chất lượng cao. Do đó, đối với bệnh nhân trữ lạnh toàn bộ phôi, FET sớm có thể thích hợp hơn để mang lại kết quả tốt nhất.
 
Nguồn: Zhang, X., Wu, S., Hao, và cộng sự (2021). Prolonged Cryopreservation Negatively Affects Embryo Transfer Outcomes Following the Elective Freeze-All Strategy: A Multicenter Retrospective Study. Frontiers in endocrinology, 12, 709648.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK