Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 04-12-2021 5:00pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Ngọc Huệ - IVFMD Bình Dương

Lạc nội mạc tử cung là một trong những bệnh lý thường gặp có thể dẫn đến giảm đáng kể dự trữ buồng trứng do tiến trình của bệnh hoặc do điều trị phẫu thuật buồng trứng. Mặc dù bảo tồn khả năng sinh sản ở những bệnh nhân lạc nội mạc tử cung đã được ứng dụng, tuy nhiên hiệu quả thật sự vẫn còn gây tranh cãi. Điều này xảy ra do thiếu các bằng chứng liên quan về hiệu quả của việc bảo tồn khả năng sinh sản ở nhóm bệnh nhân lạc nội mạc tử cung và chất lượng của noãn được đông lạnh, tiềm năng của noãn sau rã đông cũng như tỉ lệ thai ở nhóm bệnh nhân này. Đã có vài nghiên cứu ghi nhận hiệu quả của bảo tồn khả năng sinh sản ở bệnh nhân lạc nội mạc tử cung và kết quả lâm sàng sau đông lạnh noãn, tuy nhiên trong quá trình tư vấn bệnh nhân, một trong những câu hỏi nhận được thường có liên quan đến số lượng noãn đông lạnh để tăng tỉ lệ thành công. Trước đây, số noãn cần đông lạnh để đạt được ít nhất một trẻ sinh sống phụ thuộc vào tuổi của người phụ nữ và số lượng noãn được sử dụng ở nhóm phụ nữ bảo tồn khả năng sinh sản chủ động (Elective Fertility Preservation - EFP) và bệnh nhân ung thư. Dữ liệu này hiện không phù hợp đối với các bệnh nhân lạc nội mạc tử cung. Do đó, nghiên cứu được thực hiện (2021) nhằm xác định số lượng noãn cần đông lạnh để đạt được ít nhất một trẻ sinh sống ở bệnh nhân lạc nội mạc tử cung.
 
Đây là một nghiên cứu quan sát hồi cứu được thực hiện từ tháng 1 - 2007 đến tháng 7 - 2018 trên 485 bệnh nhân lạc nội mạc tử cung (840 chu kì) sử dụng noãn đông lạnh. Tuổi trung bình tại thời điểm thu nhận noãn để đông lạnh là 35,7 ± 3,7 tuổi. Các đường cong sống sót và đồ thị Kaplan – Meier được sử dụng để phân tích tỉ lệ trẻ sinh sống tích lũy (Cumulative Live Birth Rate - CLBR) theo số lượng noãn đông lạnh được sử dụng. Các đường cong lạc nội mạc tử cung được so sánh với nhóm đối chứng là nhóm EFP. Phương pháp Log-rank, Breslow và Tarone – Ware được sử dụng để so sánh các đường cong sinh tồn.
 
Kết quả cho thấy:
- Tuổi trung bình ở nhóm bệnh nhân EFP (37,2 ± 4,9) cao hơn so với nhóm bệnh nhân lạc nội mạc tử cung (35,7 ± 3,7), p <0,001.
- CLBR tăng lên khi số lượng noãn được sử dụng trên mỗi bệnh nhân khoảng 22 noãn, đạt 89,5% (95% KTC, 80,0–99,1%). Bên cạnh đó, CLBR cao hơn được quan sát thấy ở phụ nữ trẻ (≤35 tuổi so với > 35 tuổi).
- Ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi hơn, số lượng noãn sử dụng khoảng 20 noãn cho CLBR 95,4% (95% KTC, 87,2–103,6), cao hơn so với 79,6% (95% KTC, 58,1–101,1) ở nhóm phụ nữ lớn tuổi (p = 0,002).
- CLBR cao hơn ở nhóm lạc nội mạc tử cung so với nhóm EFP, tương ứng 89,5% (95% KTC, 80,0–99,1%) so với 59,9% (95% KTC, 51,4–68,6%) khi sử dụng 22 noãn (p<0,00001).
 
Như vậy, các kết quả cho thấy có thể tỉ lệ trẻ sinh sống tăng lên khi số lượng noãn được sử dụng khoảng 22 noãn ở những bệnh nhân lạc nội mạc tử cung, nhưng kết quả sẽ tốt hơn ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi. Có thể thấy, bảo tồn khả năng sinh sản là một trong những chỉ định cần cân nhắc ở nhóm phụ nữ trẻ bị lạc nội mạc tử cung, đặc biệt là u lạc nội mạc tử cung buồng trứng. Các kết quả từ nghiên cứu đã góp phần cung cấp thông tin cho bác sĩ điều trị và bệnh nhân trong quá trình tư vấn điều trị.
 
Tài liệu tham khảo:
Cobo A, Coello A, de Los Santos MJ và cộng sự. Number needed to freeze: cumulative live birth rate after fertility preservation in women with endometriosis. Reprod Biomed Online. 2021 Apr; 42(4):725-732.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK