Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 30-11-2021 10:32pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

Vô sinh ước tính ảnh hưởng đến khoảng 15% –20% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới, và 40% –50% các trường hợp vô sinh là do yếu tố nam. Chất lượng tinh dịch kém là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh do yếu tố nam. Trong vài thập kỷ qua, sự suy giảm chất lượng tinh dịch đã được báo cáo ở nhiều quốc gia. Nhiều yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận như các chất gây rối loạn nội tiết có trong môi trường, lối sống không lành mạnh, hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan đến suy giảm sức khỏe sinh sản nam giới.
 
Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ảnh hưởng đến hơn 264 triệu người trên toàn cầu. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy mức độ trầm cảm nặng có thể gây suy giảm chất lượng tinh dịch như giảm thể tích thu được hay giảm mật độ và độ di động của tinh trùng. Ngoài ra, nhiều bằng chứng khác còn cho thấy trầm cảm liên quan đến sự gia tăng quá trình stress oxy hóa, có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đối với sức khỏe sinh sản nam giới. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu nào trực tiếp khám phá vai trò trung gian của stress oxy hóa trong mối liên hệ giữa trầm cảm và chất lượng tinh dịch.
 
Hợp chất 8-hydroxy-2-deoxyguanosine (8-OHdG) có trong nước tiểu, là một dạng guanin bị oxy hóa ở vị trí C-8, thường được sử dụng như một dấu hiệu sinh học của stress oxy hóa đối với tổn thương DNA. Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác như 8-iso-prostaglandin F (8-isoPGF) hay axit 4-hydroxy2-nonenal-mercapturic (HNE-MA) cũng thường được sử dụng như những dấu hiệu nhạy nhằm tiên lượng mức độ peroxy hóa lipid trong tế bào. Trong nghiên cứu này, tác giả Yi-Xiang Ye và cộng sự (2021) đã tiến hành đánh giá mối tương quan giữa các dấu hiệu stress oxy hóa (8-OHdG, 8-isoPGF và HNE-MA) với mức độ trầm cảm và chất lượng tinh dịch.
 
Nghiên cứu với sự tham gia của 1.000 nam giới khỏe mạnh với 5.880 mẫu tinh dịch được thu nhận và đưa vào phân tích. Mức độ trầm cảm được đánh giá thông qua bảng khảo sát Beck (với điểm 0-4: không trầm cảm; 5-13: trầm cảm nhẹ; 14-20: trầm cảm vừa; và 21 trở lên: trầm cảm nặng). Nồng độ của 8-OHdG, 8-isoPGF và HNE-MA trong nước tiểu sẽ được đo đạc nhằm đánh giá tình trạng stress oxy hóa. Các thông số chất lượng tinh dịch cũng được tiến hành đánh giá và ghi nhận lại. Mối liên hệ giữa trầm cảm, stress oxy hóa và các thông số chất lượng tinh dịch sau đó sẽ được phân tích bằng mô hình tuyến tính (linear model) hoặc mô hình tác động hỗn hợp (mixed-effects model) với sự điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn. Phân tích biến trung gian được thực hiện để kiểm tra vai trò trung gian của stress oxy hóa.
 
Kết quả thu được như sau:
  • Những người tham gia nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 28,1 tuổi (±5,3), chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình là 22,9 kg/m2 (±3,2) và thời gian kiêng xuất tinh trung bình là 6,2 ngày (±3,1). 627 nam giới (62,7%) có bằng cử nhân, 572 (57,2%) không hút thuốc và 110 (11,0%) uống rượu ít nhất một lần/tuần.
  • 523 (52,3%) nam giới không bị trầm cảm, 391 (39,1%) nam giới trầm cảm nhẹ, 67 (6,7%) trầm cảm trung bình và 19 (1,9%) là trầm cảm nặng.
  • So với nam giới không bị trầm cảm, những người bị trầm cảm nặng có thể tích tinh dịch thấp hơn 25,26% (95% KTC, -38,6% – -8,93%), tổng số tinh trùng thấp hơn 37,04% (-55,37% – -11,20%), tổng tinh trùng di động thấp hơn 13,57% (-23,17% – -2,78%), và di động tiến tới thấp hơn 15,08% (-25,09% – -3,72%).
  •  Nam giới trầm cảm ở mức trung bình cũng có thể tích tinh dịch thấp hơn 12,28% (-21,16% – -2,40%) và tổng số tinh trùng thấp hơn 23,56% (-36,50% – -7,97%) so với không trầm cảm.
  • Nồng độ 8-isoPGF trong nước tiểu tăng dần khi mức độ trầm cảm càng tăng (P = 0,02). Tuy nhiên, không tìm thấy mối tương quan giữa tình trạng trầm cảm và nồng độ 8-OHdG hay HNE-MA trong nước tiểu (P > 0,05).
 
Kết luận: Như vậy, qua nghiên cứu đã cho thấy nam giới bị trầm cảm có các chỉ số chất lượng tinh dịch kém hơn, bao gồm thể tích tinh dịch, mật độ tinh trùng, tổng số tinh trùng, tổng tinh trùng di động và di động tiến tới. Những phát hiện này đã cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì trạng thái tâm lý tốt đối với sức khỏe sinh sản nam giới. Nghiên cứu cũng cho thấy mối tương quan thuận giữa mức độ trầm cảm và nồng độ 8-isoPGF trong nước tiểu. Tuy nhiên, các bằng chứng vẫn chưa đủ để kết luận về ảnh hưởng của stress oxy hóa lên mối liên hệ giữa trầm cảm và chất lượng tinh dịch.
 
Nguồn: Ye, Y. X., Chen, H. G., Sun, B., Chen, Y. J., Duan, P., Meng, T. Q., ... & Pan, A., Associations between depression, oxidative stress, and semen quality among 1.000 healthy men screened as potential sperm donors. Fertility and Sterility 2021.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK