Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 02-01-2022 12:23am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Hiện nay, yếu tố nam theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) chiếm 40% các trường hợp vô sinh. Tinh dịch đồ được coi là một xét nghiệm quan trọng để đánh giá các cặp vợ chồng hiếm muộn trước khi áp dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology - ART) để điều trị. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các thông số tinh dịch đồ; một trong những yếu tố đó là thời gian kiêng xuất tinh hoặc thời gian giữa các lần xuất tinh. Với tiêu chuẩn xét nghiệm và phân tích, mẫu tinh dịch phải được lấy với thời gian kiêng xuất tinh tối thiểu là 2 ngày và tối đa là 7 ngày. Một số nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của thời gian kiêng xuất tinh ngắn và dài trên các thông số tinh trùng bao gồm mật độ tinh trùng, độ di động tiến tới và hình dạng. Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy sự cải thiện các thông số tinh dịch, phát triển của phôi và tỷ lệ thai lâm sàng với các khoảng thời gian kiêng xuất tinh khác nhau. Trong khi thể tích tinh dịch có thể giảm khi xuất tinh thường xuyên hơn; tổng số tinh trùng, độ di động, hình dạng và khả năng sống có thể không bị ảnh hưởng đáng kể. Bên cạnh đó, cũng có những phát hiện mâu thuẫn về thời gian kiêng xuất tinh với độ di động, hình dạng và tỷ lệ phân mảnh DNA tinh trùng. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả thai lâm sàng bị ảnh hưởng rõ ràng bởi nhiều yếu tố bao gồm thời gian kiêng xuất tinh ngắn hơn và nó dường như có liên quan đến sự cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng trong chu kỳ điều trị bằng ART. Mặc dù phân tích tinh dịch đồ vẫn là phương pháp tiêu chuẩn vàng để đánh giá yếu tố nam giới trong việc xác định cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng vẫn chưa có thông số tinh dịch nào cho thấy khả năng dự đoán khả năng thụ tinh của tinh trùng, sự hình thành chất lượng phôi, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống. Do đó, Sweta Gupta và cộng sự (2021) tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của các khoảng thời gian kiêng xuất tinh khác nhau đến các thông số tinh dịch và vai trò của nó trong việc ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh, khả năng phát triển của phôi, mang thai và tỷ lệ sẩy thai ở các cặp vợ chồng hiếm muộn trong các trường hợp ICSI.
 
Nghiên cứu tiến cứu phân tích 1691 chu kỳ ở bệnh nhân trải qua ART từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 8 năm 2019. Ảnh hưởng của thời gian kiêng xuất tinh được đánh giá dựa trên sự thay đổi về thời gian kiêng xuất tinh với bốn nhóm: nhóm I - 1 ngày; nhóm II - 2–5 ngày; nhóm III - 6–7 ngày và nhóm IV - ≥ 8 ngày.
Trong kết quả chính, nghiên cứu cho thấy mối tương quan thuận chặt chẽ giữa thời gian kiêng xuất tinh với lượng tinh dịch, tổng số lượng tinh trùng, tổng số tinh trùng di động và sự khác biệt giữa mỗi nhóm là đáng kể. Tổng tỷ lệ thụ tinh quan sát được trong toàn bộ nghiên cứu là 71,95% với tỷ lệ phôi phân chia là 99,2%. Tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ phôi phân chia không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tất cả các nhóm. Bên cạnh đó, sự phát triển của phôi chất lượng tốt cao hơn trong nhóm IV. Mức độ hình thành phôi loại A cao nhất ở nhóm IV (26,60%); tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa khi so sánh với nhóm II (19,87% so với 26,60%). Tỷ lệ sử dụng phôi cao nhất ở nhóm IV và không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai sinh hóa được quan sát thấy ở nhóm I (1 ngày) trên mỗi lần chuyển phôi cao hơn đáng kể so với nhóm kiêng xuất tinh lâu hơn. Điều này dẫn đến tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm I là 30,0% so với 25,4% ở các nhóm kiêng xuất tinh lâu hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy thời gian kiêng xuất tinh có tương quan nghịch với tỷ lệ β-hCG dương tính, tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ làm tổ. Tỷ lệ sẩy thai và thai ngoài tử cung không khác nhau ở các nhóm được nghiên cứu.
 
Hiện nay, trong khi tinh dịch đồ là nền tảng để kiểm tra khả năng sinh sản của nam giới, các thông số tinh dịch có thể không chứng minh hoàn toàn khả năng thụ tinh của tinh trùng. Bên cạnh đó, các khuyến nghị về thời gian kiêng xuất tinh lý tưởng để thực hiện ICSI trong điều trị ở các cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn còn nhiều tranh cãi. Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng thời gian kiêng xuất tinh ngắn không có khả năng làm giảm tỷ lệ thai lâm sàng trong chu kỳ ICSI. Trên thực tế, kiêng 1 ngày có liên quan đến tỷ lệ thai lâm sàng cao nhất. Các thử nghiệm lâm sàng tiến cứu lớn hơn nên được thực hiện bao gồm các phân nhóm khác như thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization – IVF), oligo-asthenozoospermia vừa và nặng để có thêm thông tin về thời gian kiêng xuất tinh lý tưởng nhằm cải thiện cơ hội mang thai ở các cặp vợ chồng hiếm muộn đang điều trị vô sinh.
 
Tài liệu tham khảo: Sweta Gupta, Vikram J Singh, Ashish Fauzdar và cộng sự. Short Ejaculatory Abstinence in Normozoospermic Men is Associated with Higher Clinical Pregnancy Rates in Sub-fertile Couples Undergoing Intra-Cytoplasmic Sperm Injection in Assisted Reproductive Technology: A Retrospective Analysis of 1691 Cycles. Journal of Human Reproductive Sciences. 2021.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK