Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 06-01-2022 8:58pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế

CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) ảnh hưởng khoảng 5% đến 10% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản và là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh do không thể phóng noãn. Bệnh nhân PCOS bị hạn chế khả năng sinh sản, khoảng 26% bệnh nhân gặp khó khăn khi muốn mang thai, cao hơn so với những nữ giới không bị PCOS (17%). Phương pháp tiếp cận đầu tiên khi điều trị vô sinh ở những bệnh nhân PCOS là thay đổi lối sống như giảm cân, sử dụng các thành phần hỗ trợ điều trị thông qua đường uống như chất ức chế aromatase hoặc các gonadotropin ngoại sinh và kết hợp quan hệ vợ chồng tự nhiên hay thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Quá trình kích thích buồng trứng khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) ở những bệnh nhân PCOS là một thử thách lớn. Những đặc điểm của bệnh nhân bị PCOS là cường androgen, kháng insulin và đáp ứng buồng trứng cao hơn so với nhóm bệnh nhân đối chứng không bị PCOS. Ngoài ra, bệnh nhân PCOS thường đối mặt với nguy cơ quá kích buồng trứng trong quá trình kích thích buồng trứng.

Số lượng noãn chọc hút được ở những bệnh nhân PCOS thường cao, tuy nhiên, chất lượng và mức độ trưởng thành của những noãn này lại không được đảm bảo dẫn đến khả năng thụ tinh kém, tỉ lệ phôi phân chia, làm tổ, tỉ lệ thai và tỉ lệ trẻ sinh sống thấp. Tác giả Jiel Qiao cho rằng các yếu tố bắt nguồn từ bên trong buồng trứng và bên ngoài buồng trứng có thể ảnh hưởng không tốt tới tương tác giữa tế bào hạt-noãn, sự trưởng thành của noãn và tiềm năng phát triển của phôi. Những yếu tố bên ngoài không bắt nguồn từ buồng trứng có thể kể đến như hormone LH, nồng độ androgen cao hơn ngưỡng bình thường hay nồng độ insulin cao hơn ngưỡng bình thường. Những yếu tố bên trong liên quan đến buồng trứng gồm sự giảm điều tiết các nhân tố của lớp thượng bì, tế bào sợi hoặc các nhân tố tăng trưởng giống insulin, cytokines hay các hoạt chất thần kinh. Nồng độ androgen cao có thể làm thay đổi chức năng của các tế bào cumulus.

Ở một số nghiên cứu, tỉ lệ sảy thai ở những bệnh nhân PCOS cao hơn so với nhóm bệnh nhân không bị PCOS (34,2% vs 17,1%; P = 0,025). Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng khẳng định tỉ lệ phôi dị bội ở nhóm bệnh nhân PCOS cao hơn những bệnh nhân khác. Đồng thời, không ghi nhận thấy sự tăng tỉ lệ sảy thai nếu bệnh nhân PCOS xin noãn hiến trong chu kì điều trị. Những thống kê trên cho thấy nồng độ cao androgen có ảnh hưởng không tốt đến môi trường tử cung, qua đó dẫn đến nguy cơ sảy thai cao ở đối tượng bệnh nhân này. Tuy nhiên, khi xét về yếu tố liên quan đến phôi, các kết luận về tiềm năng phát triển của phôi ở những bệnh nhân PCOS vẫn còn nhiều tranh cãi. Xuất phát từ những lí do trên, nghiên cứu này được nhóm tác giả từ Canada thực hiện (2020) nhằm đánh giá tỉ lệ thai và tỉ lệ trẻ sinh sống ở những trường hợp chuyển đơn phôi nang chất lượng tốt ở những bệnh nhân PCOS.

Nghiên cứu được thực hiện theo hướng hồi cứu, gồm 71 bệnh nhân PCOS và 272 bệnh nhân nhóm đối chứng. Các trường hợp trong nghiên cứu phải thỏa tiêu chí chuyển đơn phôi nang chất lượng tốt và phôi phát triển từ noãn tự thân. Chẩn đoán PCOS dựa trên đồng thuận Rotterdam 2003.

Noãn được chọc hút sau 36 giờ tính từ lúc tiêm hCG. Phôi được tạo bằng kĩ thuật IVF cổ điển hoặc ICSI. Sau 16 – 18 giờ, tiến hành kiểm tra thụ tinh dựa trên sự hiện diện của hai tiền nhân và 2 thể cực. Phôi được nuôi cấy lần lượt trong môi trường nuôi cấy phôi phân chia và môi trường nuôi cấy phôi nang. Phôi có chất lượng tốt khi điểm đánh giá theo chuẩn của Gardner và Schoolcraft (1999) là AA và BA. Các bệnh nhân sẽ được chuyển phôi tươi một phôi nang chất lượng tốt.

Kết quả

Nhóm bệnh nhân PCOS có tuổi nhỏ hơn (31,0 và 33,1, p = 0,0001), số lượng nang noãn thứ cấp nhiều hơn (40,0 và 13,3, p = 0,0001), liều gonadotropin sử dụng thấp hơn (1.198 và 1.891, p = 0,0001) và nồng độ testosterone huyết thanh cao hơn (2,3 và 1,1, p = 0,0001) so với nhóm đối chứng. Giữa 2 nhóm cũng không có khác biệt về chất lượng phôi chuyển.

Các kết quả thống kê khác về tỉ lệ thai, thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống giữa 2 nhóm là tương đương nhau. Tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm PCOS có xu hướng cao hơn, nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p = 0,091). Khi tiến hành phân tích đa biến, tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm PCOS thấp hơn so với nhóm đối chứng (p = 0,035, KTC: 0.18−0.92).

Như vậy, dựa trên những ghi nhận của nhóm tác giả thì hiệu quả chuyển phôi tươi, đơn phôi nang có chất lượng tốt ở những bệnh nhân PCOS có kết quả trẻ sinh sống thấp hơn so với những bệnh nhân đối chứng (có kiểm soát các yếu tố gây nhiễu khi thống kê kết quả). Nghiên cứu cũng đưa ra quan điểm rằng cường androgen có thể thay đổi hoạt động chức năng bình thường của nội mạc tử cung hoặc của noãn, làm giảm khả năng thành công của thai kì.

Lược dịch từ: Steiner, N., Ates, S., Shaulov, T., Shrem, G., Volodarsky-Perel, A., Dahan, S.Y., Tannus, S., Son, W.Y. and Dahan, M.H., 2020. A comparison of IVF outcomes transferring a single ideal blastocyst in women with polycystic ovary syndrome and normal ovulatory controls. Archives of Gynecology and Obstetrics, 302(6), pp.1479-1486.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK