Tin tức
on Thursday 06-01-2022 8:49pm
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
Mặc dù công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology - ART) đã có nhiều tiến bộ nhưng vô sinh vẫn là một thách thức lớn không chỉ đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn đối với các bác sĩ sản phụ khoa và chuyên viên phôi học. Bên cạnh đó, lạc nội mạc tử cung được coi là nguyên nhân quan trọng làm giảm khả năng sinh sản của nữ giới. Tỷ lệ lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là khoảng 10% và tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ hiếm muộn lên đến 50%. Các cơ chế của vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung không rõ ràng và các lý thuyết được chấp nhận nhiều nhất hiện nay bao gồm các bất thường giải phẫu gây ra bởi sự kết dính và xơ hóa, bất thường nội tiết, rối loạn viêm và miễn dịch. Mặc dù bệnh nhân lạc nội mạc tử cung sử dụng ART rộng rãi, lạc nội mạc tử cung có liên quan nhiều đến kết quả kém trong chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (in-vitro fertilization - IVF)/tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intra-cytoplasmic sperm injection - ICSI). Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân lạc nội mạc tử cung có tỷ lệ thai lâm sàng thấp hơn, đáp ứng của buồng trứng kém hơn, tỷ lệ thu nhận noãn thấp hơn và nhu cầu gonadotropin cao hơn những người vô sinh do ống dẫn trứng. Bên cạnh đó, chìa khóa thành công của IVF/ICSI là sự làm tổ của phôi. Tuy nhiên, tỷ lệ làm tổ thành công trung bình là khoảng 20% trong dân số chung và thất bại làm tổ liên tiếp (recurrent implantation failure - RIF) là một thách thức trong ART. RIF có liên quan đến gánh nặng kinh tế và áp lực tâm lý rất lớn ở bệnh nhân. Ở Trung Quốc, tỷ lệ RIF là 5 - 11,1%. Định nghĩa về RIF hiện đang còn gây tranh cãi, nghiên cứu này xem xét các tài liệu liên quan, đề xuất và thông qua định nghĩa RIF trong nghiên cứu là “Tình trạng trong đó phụ nữ dưới 40 tuổi không thể có thai sau ít nhất ba chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc đông lạnh với hơn bốn phôi chất lượng tốt hoặc hai phôi nang chất lượng tốt được chuyển”. Các bất thường trong quá trình phát triển của phôi và giảm khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung là hai lý do phổ biến nhất dẫn đến RIF. Rối loạn tử cung và bất thường nội tiết cũng được cho là nguyên nhân gây ra RIF. Ngày càng nhiều nhà nghiên cứu tập trung vào lạc nội mạc tử cung hoặc RIF, nhưng các nghiên cứu về kết cục liên quan đến lạc nội mạc tử cung ở bệnh nhân RIF vẫn còn hạn chế. Do đó, Chenyi Zhong và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của hoạt động lạc nội mạc tử cung trên kết cục thai kỳ của bệnh nhân RIF trong chu kỳ IVF/ICSI. Bệnh nhân được chia thành nhóm không được điều trị, điều trị sớm và điều trị muộn dựa trên các trạng thái kiểm soát khác nhau của lạc nội mạc tử cung để nghiên cứu ảnh hưởng của nó đối với kết cục thai kỳ. Điều quan trọng của nghiên cứu là phải đánh giá xem lạc nội mạc tử cung có ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ của bệnh nhân RIF hay không và tối ưu hóa các chiến lược để đạt được kết cục thai kỳ tốt hơn.
Nghiên cứu thực hiện trên tổng số 330 bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung từ năm 2008 đến 2018 và bao gồm 1043 chu kỳ IVF/ICSI. Tất cả bệnh nhân đều được chẩn đoán RIF sau IVF/ICSI. Bệnh nhân được phân vào ba nhóm theo các trạng thái kiểm soát khác nhau của lạc nội mạc tử cung, bao gồm nhóm không được điều trị (141 bệnh nhân, 374 chu kỳ), điều trị sớm (94 bệnh nhân, 326 chu kỳ) và điều trị muộn (95 bệnh nhân, 343 chu kỳ). Tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ sinh sống tích lũy của bệnh nhân lạc nội mạc tử cung có RIF là kết quả chính. Ngoài ra, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi và tỷ lệ phôi chất lượng tốt cũng được so sánh.
Kết quả cho thấy ở nhóm điều trị sớm và điều trị muộn có tỷ lệ sinh sống tích lũy cao hơn so với nhóm không được điều trị (điều trị sớm là 43,6%, điều trị muộn là 46,3% so với không điều trị là 27,7%, P < 0,001), mặc dù bệnh nhân ở cả hai nhóm điều trị có tỷ lệ adenomyosis và phẫu thuật buồng trứng cao hơn. Trong đó, tỷ lệ adenomyosis và tỷ lệ phẫu thuật buồng trứng của nhóm điều trị sớm là cao nhất (adenomyosis là 12,79% so với 2,07% và 4,95%; phẫu thuật buồng trứng là 39,73% so với 18,67% và 22,07%). Bên cạnh đó, hai nhóm điều trị cho kết quả phôi học tốt hơn so với nhóm không điều trị và đặc biệt là nhóm điều trị sớm. Nhóm không được điều trị có tỷ lệ thụ tinh (46,24%) thấp hơn nhóm được điều trị (điều trị sớm là 64,40% và điều trị muộn là 60,27%, P < 0,001). Ngoài ra, tỷ lệ phôi và phôi chất lượng tốt ở nhóm được điều trị sớm cao hơn nhiều so với nhóm không được điều trị (90,30% so với 85,20%; 76,50% so với 64,47%). Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng đường cong Kaplan – Meier để phân tích tỷ lệ sinh sống tích lũy, cho thấy bệnh nhân trong nhóm không được điều trị cần trung bình 23,126 tháng để đạt được một lần sinh sống; trong khi những người trong nhóm được điều trị cần thời gian tương đối ngắn hơn (điều trị sớm là 18,479 ± 0,882 tháng và điều trị muộn là 14,183 ± 1,102 tháng).
Nghiên cứu cho thấy lạc nội mạc tử cung có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả IVF/ICSI. Một số bệnh nhân lạc nội mạc tử cung có thể mang thai sau IVF/ICSI; tuy nhiên, các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm lặp đi lặp lại và việc làm tổ thất bại có thể gây ra gánh nặng lớn về tâm lý và tài chính. Nghiên cứu cho thấy việc kiểm soát hoạt động của lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến tỷ lệ sinh sống tích lũy cao hơn ở bệnh nhân. Và nghiên cứu đã khám phá mối quan hệ giữa lạc nội mạc tử cung và RIF cũng như tầm quan trọng của việc điều trị lạc nội mạc tử cung để cung cấp cơ sở lý thuyết cho các ứng dụng lâm sàng nhằm tối ưu hóa các chiến lược hỗ trợ sinh sản để giúp bệnh nhân đạt được kết cục thai kỳ tốt hơn, đặc biệt đối với những bệnh nhân RIF.
Tài liệu tham khảo:
Chenyi Zhong, Liusijie Gao, Li Shu và cộng sự. Analysis of IVF/ICSI Outcomes in Endometriosis Patients With Recurrent Implantation Failure: Influence on Cumulative Live Birth Rate. Frontiers in Endocrinology. 2021.
Từ khóa: lạc nội mạc tử cung
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thời gian kiêng xuất tinh ngắn ở nam giới bình thường (Normozoospermic) có liên quan đến tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn ở các cặp vợ chồng hiếm muộn được thực hiện ICSI: Phân tích hồi cứu 1691 chu kỳ - Ngày đăng: 02-01-2022
Kiêng xuất tinh trong thời gian rất ngắn có cải thiện kết quả của công nghệ hỗ trợ sinh sản ở bệnh nhân vô sinh Oligo-Asthenozoospermia nặng không? - Ngày đăng: 02-01-2022
Tác động tổng hợp của chỉ số khối cơ thể ở cả vợ và chồng đối với kết quả mang thai tích lũy sau lần kích thích buồng trứng đầu tiên - Ngày đăng: 02-01-2022
Hiệu quả của hoạt hóa noãn nhân tạo ở những bệnh nhân có vấn đề về khả năng phát triển của phôi: một nghiên cứu chia noãn - Ngày đăng: 29-12-2021
Khoảng thời gian từ lúc sinh thiết đến khi đông lạnh phôi kéo dài ảnh hưởng không tốt đến kết quả lâm sàng trong xét nghiệm di truyền tiền làm tổ - Ngày đăng: 29-12-2021
So sánh tinh trùng xuất tinh tươi và đông lạnh trong chu kỳ chia đôi noãn hiến tặng - Ngày đăng: 29-12-2021
Ứng dụng lâm sàng của các phương pháp giải trình tự nhằm thực hiện song song xét nghiệm di truyền giúp phát hiện lệch bội và các bệnh lý liên quan đến DNA ti thể trên phôi tiền làm tổ - Ngày đăng: 24-12-2021
Hoạt hoá stress ở lưới nội chất qua trung gian apoptosis gây bởi stress oxi hóa của các tế bào hạt trên buồng trứng bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạc nội mạc tử cung buồng trứng - Ngày đăng: 24-12-2021
Điều trị vô sinh nguyên phát trên bệnh nhân mắc hội chứng Mccune-albright: báo cáo một ca điều trị thụ tinh trong ống nghiệm thành công - Ngày đăng: 21-12-2021
Liệu có thể sử dụng một phác đồ rã đông duy nhất cho tất cả phôi nang đã đông lạnh bằng phương pháp thuỷ tinh hoá sử dụng các hệ môi trường đông lạnh khác nhau hay không? - Ngày đăng: 20-12-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK