Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 05-02-2020 8:55am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Hoàng Lê Trung Hiếu, Hồ Ngọc Anh Vũ - Bệnh viện Mỹ Đức

Các loại viên uống bổ sung tăng cường sức khỏe sinh sản nam giới được tiếp thị trên thị trường hiện nay thường chứa acid folic và kẽm, chủ yếu dựa trên các bằng chứng còn hạn chế trước đây về việc nâng cao chất lượng tinh trùng. Tuy vậy, chưa có thử nghiệm lâm sàng với quy mô lớn nào đánh giá hiệu quả của liệu pháp này trong việc cải thiện chất lượng tinh trùng hoặc tỷ lệ trẻ sinh sống. Nhằm kiểm chứng hiệu quả của việc bổ sung hàng ngày acid folic và kẽm lên chất lượng tinh trùng và tỷ lệ trẻ sinh sống ở các cặp đôi điều trị hiếm muộn, các nhà khoa học tại tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đa trung tâm trên 2.370 cặp vợ chồng (tuổi chồng ≥18, vợ 18-45), đã có kế hoạch điều trị hiếm muộn tại 4 trung tâm điều trị hỗ trợ sinh sản từ giữa tháng 6/2013 đến tháng 12/2017. Người chồng tham gia vào nghiên cứu được phân bố ngẫu nhiên theo trung tâm nghiên cứu và phương pháp điều trị hiếm muộn theo hai nhóm:
·         Nhóm 1: sử dụng 5mg acid folic và 30mg kẽm nguyên tố mỗi ngày
·         Nhóm 2:  sử dụng giả dược

Hai đồng kết cục chính được khảo sát là: (i) Tỷ lệ trẻ sinh sống (từ các thai kì xuất hiện trong vòng 9 tháng sau phân bố ngẫu nhiên) và (2i) Các thông số tinh dịch đồ (mật độ tinh trùng, độ di động, hình thái, thể tích, độ phân mảnh DNA, và tổng số lượng tinh trùng di động) tại thời điểm 6 tháng sau khi phân bố ngẫu nhiên.

Trong tổng số 2370 đối tượng tham gia NC, 1773 (75%) hoàn tất NC. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân trong NC là 33 tuổi. Kết cục trẻ sinh sống được ghi nhận lại ở tất cả bệnh nhân và có 1629 nam giới (69%) được phân tích tinh dịch đồ lại tại thời điểm 6 tháng sau phẩn bố ngẫu nhiên. Tỷ lệ trẻ sinh sống không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm có sử dụng acid folic và kẽm so với nhóm sử dụng giả dược (34% so với 35%; hiệu số nguy cơ -0,9%, độ tin cậy 95%, -4,7% đến 2,8%). Hầu hết các thông số tinh dịch đồ (mật độ, di động, hình thái, thể tích, và tổng lượng tinh trùng di động) không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm tại thời điểm 6 tháng sau phân bố ngẫu nhiên. Có sự gia tăng phân mảnh DNA tinh trùng có ý nghĩa thống kê ở nhóm bổ sung acid folic và kẽm so với nhóm sử dụng giả dược  (29,7% so với 27,2%; khác biệt trung bình 2,4%, độ tin cậy 95%, 0,5% đến 4,4%). Các triệu chứng tiêu hóa thường gặp hơn ở nhóm bổ sung acid folic và kẽm so với nhóm giả dược (khó chịu hoặc đau bụng 66 [6%] so với 40 [3%], buồn nôn 50 [4%] so với 24 [2%] và ói 32 [3%] so với 17 [1%]).



Nghiên cứu này đã giải quyết nhu cầu lâu nay cần có một thử nghiệm nghiêm ngặt, quy mô lớn để khảo sát hiệu quả của việc bổ sung acid folic và kẽm lên chất lượng tinh dịch. Tuy kết quả của nghiên cứu còn không thống nhất với một phân tích gộp gần đây (Irani, 2017) ghi nhận bổ sung acid folic và kẽm giúp cải thiện chất lượng tinh dịch, chủ yếu là mật độ tinh trùng, các tác giả của chính phân tích này vẫn đề xuất cần cân nhắc áp dụng kết quả trên vì các nghiên cứu được phân tích có thiết kế còn chưa đồng nhất. Một phát hiện khác của nghiên cứu này gợi ý rằng DNA tinh trùng bị phá hủy tăng lên cùng liều bổ sung acid folic và kẽm. Tuy nhiên, các tác giả cũng đồng ý rằng khi các mẫu bệnh phẩm không có tinh trùng (azoospermia) hoặc mật độ tinh trùng thấp được xử lý như thiếu mẫu khi phân tích, các phát hiện về chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng hoặc thông số tinh dịch lâm sàng là không có giá trị. Vì vậy, những khác biệt nhỏ về chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng khi bổ sung chất chống oxy hoá cần được nghiên cứu thêm trong tương lai.

Nghiên cứu này có một số mặt hạn chế. Thứ nhất,  NC chỉ khảo sát trên nhóm dân số đến khám và tư vấn tại phòng khám hiếm muộn chứ không phải nhóm nam giới mong con nói chung và hầu hết bệnh nhân là người da trắng, có địa vị kinh tế xã hội cao; do đó, khó khái quát hoá cho dân số chung. Thứ hai, số cặp đôi tham gia điều trị hiếm muộn ít chu kì hơn so với dự kiến, làm cho tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn trong nhóm giả dược thấp hơn đáng kể so với cỡ mẫu tính toán, cũng như có đến 31% đối tượng nam không đánh giá lại chất lượng tinh trùng sau 6 tháng. Tuy nhiên, các hạn chế trên sau khi được đánh giá hiệu chỉnh không gây ảnh hưởng lớn đến kết quả nghiên cứu.

Như vậy, ở nhóm dân số chung các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn, việc bổ sung acid folic và kẽm ở nam giới không cải thiện chất lượng tinh dịch hay tỷ lệ trẻ sinh sống so với nhóm sử dụng giả dược.  Kết quả của thử nghiệm này mang đến một quan điểm mới trong thực hành lâm sàng, ngưng bổ sung các thực phẩm chức năng có kẽm và acid folic cho nam giới có thể giảm đi những chi phí không cần thiết trong quá trình hỗ trợ sinh sản, vốn đã rất tốn kém.

Nguồn: Schisterman EF, Sjaarda LA, Clemons T, et al. Effect of Folic Acid and Zinc Supplementation in Men on Semen Quality and Live Birth Among Couples Undergoing Infertility Treatment: A Randomized Clinical Trial. JAMA. 2020;323(1):35–48.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK