Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 31-01-2020 9:17am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH Nguyễn Thị Liên Thi - IVFMD FAMILY - BVĐK Gia Đình
 
Trong nhiều thập kỷ qua, vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng được quan tâm, đặc biệt là ảnh hưởng của nó lên sức khỏe con người. Bụi hạt (particulate matter-PM), khí ozone tầng mặt đất (O3), tiếp theo là benzopyrene (hydrocarbon thơm đa vòng [PAHs]) và nitơ dioxide (NO2) được cho là những chất gây hại nhất. Những phân tử bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 μm (PM2,5) đã được chứng minh có khả năng kích hoạt nhiều quá trình bệnh lý, góp phần gây nên các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp và vô sinh.
 
Các hợp chất hữu cơ thơm đa vòng và kim loại nặng (như đồng, chì, kẽm) có trong bụi hạt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bằng cách làm gián đoạn các hoạt động nội tiết. Ngoài ra, các hạt bụi có chứa các hợp chất có hoạt tính estrogen, kháng estrogen và kháng androgen có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất steroid và sự phát sinh giao tử. Các chất gây ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra sự biến đổi DNA và hình thành các sản phẩm DNA lỗi, dẫn đến thay đổi biểu hiện gen hoặc sự xuất hiện của các đột biến ngoài gen như thay đổi methyl hóa DNA. Các cơ chế này có thể ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động chức năng của cơ thể, trong đó chức năng nội tiết của tuyến sinh dục đóng một vai trò quan trọng; bên cạnh đó, các vật liệu di truyền lỗi có thể được truyền lại cho thế hệ sau.
 
Các nghiên cứu trước đây cho thấy việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn hay dài đều có ảnh hưởng đáng kể đến chức năng sinh sản ở phụ nữ. Phơi nhiễm ở mức độ cấp tính đối với các chất thải dầu nhớt và phơi nhiễm mạn tính với hạt bụi có kích thước nhỏ (PM2,5) trong không khí có liên quan đến sự phá vỡ khối tế bào bên trong và sự phân chia bất thường tế bào lá nuôi ở giai đoạn phôi nang. Nguy cơ phôi phát triển bất thường dẫn đến tăng nguy cơ thất bại làm tổ, giảm số lượng thai sống và làm tỷ lệ sẩy thai cao hơn. Một số tài liệu cho thấy nguy cơ tiền sản giật và sinh non ở người cũng tăng cao sau khi tiếp xúc với ô nhiễm từ khí thải giao thông và diesel trong thai kỳ.
 
Một số nghiên cứu dịch tễ học đã đánh giá mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và kết quả điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); tuy nhiên, những nghiên cứu này có số lượng bệnh nhân nhỏ và ở các khu vực địa lý nhất định (Missmer và cs., 2011; Maity và cs., 2014, Choe và cs., 2018). Ngoài ra, nghiên cứu lớn nhất năm 2018 của Choe và cộng sự cũng chỉ phân tích PM10 là yếu tố phơi nhiễm chính, trong khi PM10 có tác động sức khỏe thấp hơn so với PM2,5.
 
Một đoàn hệ hồi cứu gần đây được thực hiện trên dữ liệu điều trị IVF và chuyển phôi (IVF-ET) của những phụ nữ Hàn Quốc từ năm 2011 đến 2017 nhằm kiểm tra giả thuyết về mối liên quan có thể có giữa ô nhiễm không khí và kết quả điều trị IVF (Kang và cs., 2020). Dữ liệu về nồng độ các chất ô nhiễm không khí lấy từ Viện nghiên cứu môi trường Quốc gia và được đo hàng giờ tại 318 địa điểm giám sát chất lượng không khí trong giai đoạn 2011-2017.
Tổng cộng có 34.427 chu kỳ IVF-ET ở 18.478 bệnh nhân được phân tích. Tuổi trung bình của phụ nữ tại thời điểm IVF-ET là 36,6 tuổi. Tỷ lệ thai lâm sàng là 30%. Phân tích tỷ lệ thất bại theo tháng cho thấy tỷ lệ thất bại IVF-ET có xu hướng cao hơn vào tháng 3 và tháng 4 và thấp hơn vào tháng 7 và tháng 8. Nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm bụi hạt (PM) có đường kính nhỏ hơn 10 μm, đường kính dưới 2,5 μm, sulfur dioxide, nito dioxide và carbon monoxide cao nhất vào tháng 3 và tháng 4 và thấp nhất trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9.
 
Kết quả cho thấy có sự biến động tương tự nhau giữa tỷ lệ thất bại IVF-ET và nồng độ không khí ô nhiễm được tìm thấy dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, dài hạn. Tỷ lệ thành công IVF-ET cao nhất khi nồng độ hạt bụi thấp nhất. Các nghiên cứu sâu hơn cần được thực hiện để đánh giá các cơ chế dẫn đến mối liên quan giữa tỷ lệ thành công của IVF và sự phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí.
Biểu đồ so sánh sự biến động trong năm giữa tỷ lệ thất bại IVF-ET và biến động về nồng độ chất ô nhiễm không khí trong nghiên cứu.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: Kang JLee JYSong HShin SJ. Association between in vitro fertilization success rate and ambient air pollution: a possible explanation of within-year variation of in vitro fertilization success rate. Obstet Gynecol Sci. 2020 Jan;63(1):72-79


 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK