Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 17-01-2020 3:47pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Lê Thị Bích Phượng - IVFMD Phú Nhuận

Những năm gần đây, kỹ thuật tầm soát di truyền tiền làm tổ phát hiện thể lệch bội (PGT-A) để xác định số lượng nhiễm sắc thể của phôi ngày càng phổ biến. Vật liệu di truyền có thể được thu nhận từ thể cực của noãn, phôi bào từ phôi giai đoạn phân chia hoặc tế bào TE từ phôi nang, trong đó, thu nhận tế bào TE được xem như là phương pháp ít xâm lấn, ít ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển và làm tổ của phôi sau này nhất. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò của kỹ thuật này trong việc cải thiện kết cục điều trị trên một số nhóm như bệnh nhân lớn tuổi, sẩy thai liên tiếp, thất bại làm tổ nhiều lần…, tuy nhiên vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy Takeshi Sato và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá vai trò của PGT-A trong việc cải thiện tỉ lệ sinh sống và giảm tỉ lệ sẩy thai ở nhóm bệnh nhân sẩy thai liên tiếp do bất thường nhiễm sắc thể của phôi cũng như là nhóm bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần.



Nghiên cứu tiến cứu, đa trung tâm thực hiện từ tháng 01/2017 đến tháng 06/2018 trên tổng số 79 bệnh nhân sẩy thai liên tiếp (RPL) và 92 bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần (RIF). Trong nghiên cứu, độ tuổi trung bình, số lần sẩy thai hay thất bại làm tổ trước đó và đặc điểm nền không có sự khác biệt giữa 2 nhóm có và không có thực hiện PGT-A.

Trên nhóm RPL, kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ sinh sống tính trên số bệnh nhân giữa 2 nhóm (26,8 với 21,1%), cũng như không có sự khác biệt về tỉ lệ sẩy thai giữa hai nhóm (14,3% với 20%). Tuy nhiên, tỉ lệ sinh sống và tỉ lệ thai tính trên số chu kỳ chuyển phôi cao hơn ở nhóm PGT-A so với nhóm đối chứng (tương ứng là 52,4% với 21,6%, OR 3,89; 95% CI 1,16–13,1 và 66,7% với 29,7%, OR 5,14; 1,52–17,3). Ngoài ra, kỹ thuật PGT-A giúp giảm tỉ lệ thai sinh hoá của bệnh nhân (9,8% với 28,9%, OR 0,22; 0,06–0,82).

Trên nhóm RIF, tỉ lệ sinh sống và tỉ lệ thai tính trên số bệnh nhân ở hai nhóm không có sự khác biệt nhưng các tỉ lệ này tính trên chu kỳ chuyển phôi ở nhóm PGT-A cao hơn đáng kể so với nhóm chứng (62,5 với 31,7%, OR 3,75; 1,28–10,95 và 70,8 với 31,7%, OR 5,62; 1,82–17,3). Tỉ lệ sinh hoá ở nhóm PGT-A cũng thấp hơn đáng kể (10,5 với 40,9%, OR 0,17; 0,03–0,92).
Như vậy, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng PGT-A không có vai trò cải thiện tỉ lệ sống, giảm tỉ lệ sẩy thai tính trên số bệnh nhân RPL và RIF thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên khi đánh giá trên số chu kỳ chuyển phôi, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng PGT-A có thể cải thiện tỉ lệ sinh sống trên 2 nhóm RPL và RIF, giúp giảm số lượng phôi chuyển cũng như giảm tỉ lệ thai sinh hoá.

Nguồn: Preimplantation genetic testing for aneuploidy: a comparison of live birth rates in patients with recurrent pregnancy loss due to embryonic aneuploidy or recurrent implantation failure. 10.1093/humrep/dez229. Human Reproduction 2019.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK