Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 31-01-2020 9:22am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS. Trần Thị Thu Vân – Bệnh Viện Mỹ Đức

Chọc hút được noãn trưởng thành (ở giai đoạn MII) là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quy trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, trung bình trong một lần chọc hút sẽ có khoảng 15 – 20% noãn chưa trưởng thành (ở giai đoạn GV hoặc MI). Theo một nghiên cứu của Bar-ami và cộng sự vào năm 1994, tỉ lệ thai lâm sàng sẽ giảm khi tỉ lệ noãn trưởng thành nhỏ hơn 75%. Tuy nhiên, ngưỡng cắt này vẫn chưa được xác định trên y văn thế giới.

Để tìm các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ trưởng thành noãn kém và tác động của nó trên kết cục lâm sàng, Yihua Lin và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu bệnh chứng hồi cứu trên 20939 chu kì ICSI tại khoa sản thuộc Bệnh viện Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2017. Nghiên cứu lấy ngưỡng cắt 30% dựa trên kinh nghiệm lâm sàng để chia mẫu thành 2 nhóm: Nhóm A – tỉ lệ trưởng thành noãn kém (< 30%) và nhóm B – tỉ lệ trưởng thành noãn bình thường (³ 30%).

Cuối cùng, có 16070 chu kì thỏa tiêu chuẩn nhận, loại; trong đó, 210 chu kì (1.3%) thuộc nhóm A (< 30%) và 15860 chu kì thuộc nhóm B (³ 30%), 22.16% noãn chưa trưởng thành được ghi nhận trong tổng số noãn chọc hút.
  1. Các yếu tố tác động đến sự trưởng thành noãn:
Sau khi phân tích mô hình hồi quy logistic đa biến, nhóm nghiên cứu nhận thấy vô sinh nguyên phát, thời gian vô sinh dài, BMI cao, tiền sử điều trị thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần, số lượng noãn chọc hút được ít và sử dụng phác đồ kích thích buồng trứng (KTBT) bằng GnRH antagonist sẽ làm giảm tỉ lệ trưởng thành noãn. Trong đó, KTBT bằng phác đồ GnRH antagonist sẽ làm tăng tỉ lệ noãn chưa trưởng thành lên xấp xỉ 2 lần (KTC 95%: 1.314-3.163) khi so với phác đồ dài GnRH agonist.
  1. Sự tác động của nhiều noãn chưa trưởng thành đến kết cục lâm sàng:
Nhóm nhiều noãn chưa trưởng thành hơn có tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi tốt, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai lâm sàng ít hơn so với nhóm còn lại. Số liệu được thể hiện trong bảng dưới đây:

  Nhóm A (<30%) Nhóm B (³ 30%) Giá trị P
Tỉ lệ thụ tinh (%) 53.43 ± 42.50 63.97 ± 23.47 0.043
Tỉ lệ phôi tốt (%) 26.76 ± 40.33 40.88 ± 28.13 0.000
Tỉ lệ làm tổ 16.69% (22/131) 26.45% (5748/21.731) 0.000
Tỉ lệ thai lâm sàng 20.41% (20/98) 39.09% (4522/11.569) 0.000
Tỉ lệ sẩy thai 15.00% (3/20) 12.61% (570/4522) 0.733
 
 
            Tại đơn vị thực hiện nghiên cứu, phác đồ GnRH antagonist đa phần được dùng cho bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng nhiều và theo nghiên cứu của Sachs và cộng sự công bố năm 2000, những đối tượng này thường có tỉ lệ noãn chưa trưởng thành nhiều hơn. Ngoài ra, việc sử dụng hCG để khởi động trưởng thành noãn trong phác đồ GnRH antagonist cũng có thể làm tăng tỉ lệ noãn chưa trưởng thành so với phác đồ GnRH agonist.

Bên cạnh các đặc điểm lâm sàng, nhóm tác giả cho rằng di truyền cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm tỉ lệ trưởng thành noãn. Ví dụ, đột biến TUBB8 làm ngưng quá trình trưởng thành noãn.

            Để cải thiện tình trạng tỉ lệ trưởng thành noãn thấp, IVM (In Vitro Maturation – kỹ thuật trưởng thành noãn non trong ống nghiệm) có thể là một giải pháp giúp noãn trưởng thành. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân có tiền sử tỉ lệ noãn non >25%, double trigger (khởi động trưởng thành noãn bằng GnRH agonist kết hợp hCG) có thể giúp tăng tỉ lệ noãn trưởng thành từ 38.5% đến 75%. Việc kéo dài khoảng cách giữa thời điểm khởi động trưởng thành noãn bằng hCG và chọc hút noãn cũng có thể cải thiện tiên lượng cho những bệnh nhân có tiền sử tỉ lệ noãn non >50%.

            Đây là nghiên cứu đầu tiên khảo sát các yếu tố lâm sàng ảnh hưởng đến sự trưởng thành noãn. Hạn chế của nghiên cứu là nghiên cứu hồi cứu nên khó có thể lọc được các biến nhiễu (confounder) bao gồm loại thuốc KTBT và khởi động trưởng thành noãn.

            Tóm lại, số chu kỳ có tỉ lệ trưởng thành noãn kém chiếm 1.3% số chu kỳ ICSI, và 22.16% số noãn được chọc hút là noãn non. Vô sinh nguyên phát, thời gian vô sinh, BMI, tiền sử TTTON, số noãn chọc hút được và phác đồ KTBT là những yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ trưởng thành noãn kém. Trong tương lai, các trung tâm trên thế giới cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này cũng như xác định ngưỡng cắt tỉ lệ trưởng thành noãn phù hợp.
 
Nguồn: Lin Y, Yang P, Chen Y, Zhu J, Zhang X, Ma C. Factors inducing decreased oocyte maturation rate: a retrospective analysis of 20,939 ICSI cycles. Archives of Gynecology and Obstetrics https://doi.org/10.1007/s00404-018-4958-3.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK