Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 09-09-2019 6:20pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Ngày nay, việc lựa chọn chuyển đơn phôi ngày càng được ủng hộ, tuy nhiên người ta vẫn lo lắng về việc giảm số phôi chuyển sẽ làm giảm tỷ lệ mang thai nên nhiều trung tâm vẫn có xu hướng chuyển nhiều phôi. Theo một số nghiên cứu hiện tại, việc nuôi cấy phôi dài ngày kết hợp với trữ phôi toàn bộ và chuyển một phôi trữ ở những chu kỳ kế tiếp có khả năng làm tăng tỷ lệ thai đặc biệt ở nhóm bệnh nhân bị hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS). Vậy đối với những bệnh nhân thuộc nhóm tiên lượng phóng noãn tốt thì sao, liệu ở nhóm bệnh nhân này việc chuyển đơn phôi trữ có làm tăng tỷ lệ trẻ sinh sống so với chuyển đơn phôi tươi hay không?

Để trả lời cho câu hỏi trên, một nghiên cứu RCT đã được thực hiện ở 21 trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Trung Quốc trên 1.650 phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường thực hiện chu kỳ thụ tinh ống nghiệm lần đầu tiên từ ngày 1 tháng 8 năm 2016 đến ngày 3 tháng 6 năm 2017. Bệnh nhân sẽ được chỉ định ngẫu nhiên chuyển 1 phôi nang là phôi tươi hoặc phôi trữ. Đối với bệnh nhân chuyển phôi trữ, tất cả phôi nang được trữ đông và chuyển phôi trữ ở các chu kì tiếp theo.



Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc chuyển một phôi nang trữ cho tỷ lệ một trẻ sinh sống cao hơn đáng kể so với chuyển một phôi nang tươi (50% so với 40%, [RR] 1.26, 95% CI 1.14 – 1.41, p < 0.0001). Nhóm tác giả cũng báo cáo chuyển một phôi nang trữ cho tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ thai diễn tiến cao hơn đáng kể so với chuyển một phôi nang tươi. Nhóm tác giả cho rằng, tỷ lệ làm tổ cao hơn có thể phụ thuộc vào ba yếu tố: phôi có khả năng làm tổ tốt hơn, nội mạc tử cung có khả năng tiếp nhận tốt hơn và sự phát triển đồng bộ của phôi và nội mạc tử cung. Trong ba yếu tố trên, yếu tố thứ ba từ trước đến nay vẫn luôn được xem như một lời giải thích hợp lý về việc tỷ lệ làm tổ của phôi tươi thấp hơn so với phôi trữ. Vì việc kích thích buồng trứng có thể làm tăng nồng độ estrogen trên ngưỡng sinh lý bình thường từ đó tác động xấu đến sự phát triển của nội mạc tử cung so với sự hình thành nội mạc tử cung trong chu kỳ tự nhiên. Bên cạnh đó, nguy cơ quá kích buồng trứng vừa hoặc nặng, tỷ lệ sẩy thai, các biến chứng sản khoa và tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh là tương tự nhau ở cả hai nhóm. Tuy nhiên, việc chuyển một phôi nang trữ lạnh có liên quan đến nguy cơ mắc phải tiền sản giật cao hơn đáng kể so với chuyển một phôi nang tươi (3.1% vs 1.0%, [RR] 3.13, 95% CI 1.06 – 9.30, p = 0.029).

Với kết quả trên, cựu chủ tịch ASRM, Christos Coutifaris trong một bài bình luận đã đặt ra câu hỏi liệu rằng tỷ lệ trẻ sinh sống cải thiện 10% (từ 40% khi chuyển phôi tươi so với 50% khi chuyển phôi trữ) và kèm theo tăng nguy cơ gây ra các biến chứng trong thai kỳ thì có nên ủng hộ con đường chuyển phôi trữ lạnh tất cả các phôi giai đoạn phôi nang. Theo Coutifaris, ông vẫn nghiêng về hướng chuyển một phôi nang tươi hơn vì ông cho rằng tỷ lệ trẻ sinh sống đạt được 40% vẫn là một kết quả tốt về mặt lâm sàng trong khi đó lại không mắc phải nguy cơ tiền sản giật cao hơn.

Vậy liệu có nên đưa ra chỉ định trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi trữ cho tất cả các trường hợp? Như nhóm tác giả đã nhấn mạnh, đây là nghiên cứu RCT đầu tiên cho thấy lợi ích đáng kể khi thực hiện chuyển phôi nang trữ trong quần thể bệnh nhân thực hiện hỗ trợ sinh sản. Trước đây đã có 2 nghiên cứu chứng minh việc chuyển phôi trữ không có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân có khả năng phóng noãn bình thường, mà chỉ có kết quả vượt trội ở nhóm bệnh nhân bị PCOS. Hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được cân nhắc để có thể chỉ định rộng rãi chuyển phôi trữ toàn bộ nhóm bệnh nhân như tâm lý, tài chính của bệnh nhân khi phải kéo dài quy trình, bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng kém và hiệu quả ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên, bất chấp những vấn đề đang được cân nhắc và dữ liệu vẫn còn chắp vá, trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi nang trữ dường như ngày càng được chấp nhận và đang mang lại tỷ lệ sinh sống chấp nhận được trong phổ rộng bệnh nhân.

CVPH. Hồ Thị Mỹ Trang – IVFMDPN

Nguồn: Improved IVF birth rates following deferred blastocyst transfer. ESHRE, 2019. https://www.focusonreproduction.eu/article/News-in-Reproduction-Freeze-all-update

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK