Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 04-09-2019 5:34pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Thai chậm tăng trưởng chọn lọc (selective fetal growth restriction – sFGR) thường gặp ở nhóm song thai một bánh nhau, tỷ lệ mắc được báo cáo khoảng 12-25%. Năm 2018, đồng thuận Delphi về định nghĩa và các yếu tố cần đánh giá sFGR trong thai kỳ song thai vừa công bố trên Tạp chí siêu âm Sản Phụ khoa - Ultrasound Obstet Gynecol, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất ít các nghiên cứu đánh giá về sFGR trên thai kỳ song thai một bánh nhau.

Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá  kết cục của sGRF tuỳ theo tuổi thai khởi phát và theo các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau, cũng như ước lượng nguy cơ hội chứng truyền máu song thai ở thai kỳ song thai một nhau hai ối (MCDA) vừa công bố kết quả.
 

Nghiên cứu đoàn hệ cắt dọc trên những thai kỳ MCDA khám thai thường quy tại bệnh viện St George’s, Luân Đôn từ tháng 1/2000 đến 12/2017. Song thai một bánh nhau được chẩn đoán trong khoảng 11-14 tuần dựa trên dấu hiệu T trên siêu âm. Tất cả các thai phụ được siêu âm định kỳ mỗi 2 tuần từ 16-24 tuần và mỗi 2-3 tuần sau đó cho đến lúc sinh. Tiêu chuẩn bắt buộc khi chẩn đoán sFGR theo đồng thuận Delphi là EFW < BPV 3. Ngoài ra, chẩn đoán sFGR khi có ít nhất 2 trong 4 yếu tố bao gồm EFW < BPV 10, bất tương xứng EFW ≥ 25%, chỉ số đập PI động mạch rốn của thai nhỏ trên mức BPV 95. Theo hướng dẫn của ISUOG, tiêu chuẩn chẩn đoán sFGR  khi một trong hai thai có EFW < BPV 10, bất tương xứng EFW ≥ 25%.
Những trường hợp được chẩn đoán truyền máu song thai trước khi chẩn đoán sFGR được loại khỏi nghiên cứu. Phân loại sFGR theo các nhóm I,II,III sử dụng tiêu chuẩn Gratacós, dựa trên doppler động mạch rốn.

Tổng cộng có 315 thai kỳ MCDA được nhận vào nghiên cứu. Các kết cục thai kỳ được phân tích bao gồm sẩy thai, thai chết lưu trong tử cung, tử vong sơ sinh và nhập khoa săn sóc sơ sinh.
Tổng cộng có 287 thai kỳ MCDA được phân tích. Tần suất sFGR khởi phát sớm (<24 tuần) khoảng 4,9% trong khi dạng khởi phát muộn chỉ khoảng 3,8% theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ISUOG.

Khi áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán khác, tần suất của sFGR khởi phát sớm dao động từ 1.7% đến 9.1% và dạng sFGR khởi phát muộn từ 1.1% đến 5.9%. Nhóm sFGR khởi phát sớm, loại I là  80.8%, loại II chiếm 15.4%, và loại III 3.8%. Phân loại sFGR khởi phát muộn theo các nhóm trên lần lượt có tỷ lệ là 94.4%, 5.6% và 0%. Tần suất hội chứng truyền máu song thai là 26.9% ở nhóm sFGR khởi phát sớm và  5.5% ở nhóm sFGR khởi phát muộn. Tỷ lệ tử vong chu sinh (bao gồm cả tỷ lệ thai lưu sau 20 tuần và tử vong sơ sinh - trước 28 ngày sau sinh) là 8.0% ở sFGR khởi phát sớm và 5.6%  sFGR khởi phát muộn (p=0.661). Tỷ lệ nhập đơn vị săn sóc sơ sinh ở hai nhóm sFGR sớm và muộn lần lượt là 61.0% và 52.9% (p=0.484).
Nghiên cứu kết luận, khi so sánh giữa hai nhóm sFGR thì nhóm khởi phát sớm có tỷ lệ nhiều hơn và tiên lượng kết cục chu sinh xấu hơn so với nhóm khởi phát muộn; đồng thời, tỷ lệ truyền máu song thai cũng nhiều hơn. Tỷ lệ có thể dao động tuỳ theo các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau.

Cũng cần lưu ý rằng, đồng thuận về tiêu chuẩn chẩn đoán sFGR vừa công bố chỉ sử dụng thông tin trước sinh mà không có yếu tố nào được đánh giá sau sinh để xác định chẩn đoán. Hạn chế chủ yếu của nghiên cứu này là thiết kế hồi cứu và tổng số thai kỳ trong nghiên cứu. Cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào về quản lý thai kỳ một bánh nhau có sFGR vì chưa đủ dữ liệu. Các nghiên cứu đã công bố hầu hết đều có cỡ mẫu nhỏ, hồi cứu và sử dụng nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau. Chính vì có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán nên rất khó so sánh kết cục thai kỳ hoặc kết hợp dữ liệu trong phân tích gộp.

Bs. Lê Tiểu My
 
Lược dịch từ: Early and late selective fetal growth restriction in monochorionic diamniotic twin pregnancies: natural history and diagnostic criteria- Accepted article ISUOG Aug 2019.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK