Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 28-08-2019 10:36am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Nguyễn Hữu Duy – IVF Vạn Hạnh

Việc lựa chọn phôi chuyển có khả năng phát triển tốt nhất vẫn là một vấn đề quan trọng trong các chương trình hỗ trợ sinh sản. Ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống quan sát phôi liên tục (time-lapse imaging system), các chuyên viên phôi học có thể quan sát và đánh giá đồng thời nhiều yếu tố tiên lượng không xâm lấn trong giai đoạn phát triển của phôi mà không làm ảnh hưởng đến sức sống của phôi. Các nghiên cứu trước đây cho thấy có một vài thông số động học có thể giúp tiên lượng khả năng phát triển thành phôi nang và khả năng làm tổ của phôi. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa các thông số về noãn và thụ tinh với các kết quả lâm sàng vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu. Do vậy, tác giả Barberet và cộng sự (2019) đã thực hiện nghiên cứu nhằm cung cấp một mô tả toàn diện về động học và hình thái học của phôi bắt đầu từ noãn, hợp tử cho đến lúc tạo phôi và sử dụng để chuyển phôi (chuyển đơn phôi – SET). Mục tiêu chính của nghiên cứu là mở rộng phạm vi các thông số tiềm năng mà có thể được phát triển như là các dấu ấn sinh học không xâm lấn trong việc tiên lượng trẻ sinh sống.


Đây là một nghiên cứu hồi cứu, sử dụng tủ nuôi cấy quan sát phôi liên tục (time-lapse incubator (EmbryoScope, Unisense FertiliTech)). Có tất cả 232 chu kỳ ICSI chuyển phôi tươi đơn phôi (85% phôi ngày 2 và 15% phôi ngày 3) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2017 được nhận vào nghiên cứu. Nghiên cứu thực hiện hồi cứu từ giai đoạn noãn, hợp tử và phôi giai đoạn sớm dựa trên 18 đặc điểm hình thái học định lượng, 4 đặc điểm về hình thái và 13 đặc điểm về động học hình thái. Mối liên quan giữa các thông số này được kiểm tra bằng phép tương quan Spearman, Mann-Whitney hoặc chi bình phương và xem xét liệu các tham số này có liên quan đến các kết quả trong phân tích hồi quy logistic đơn biến và đa biến hay không.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 2 trong tổng số 35 thông số có liên quan đến tỉ lệ trẻ sinh sống.  2PN nằm cạnh nhau ở vị trí trung tâm giúp tăng gấp 2 lần tỷ lệ trẻ sinh sống (OR = 2,20; 95% CI, [1,26, 3,33]; P = 0,006), trong khi sự hiện diện của đa nhân (MNB) ở giai đoạn 2 tế bào làm giảm đến một nửa tỷ lệ trẻ sinh sống (OR = 0,51; 95% CI, [0,27-0,95]; P = 0,035). Hai thông số này không phụ thuộc vào động học phôi.

Hạn chế của nghiên cứu là cỡ mẫu nhỏ nên không đủ để cho thấy sự khác biệt rõ rệt về thời gian phát triển của các phôi có tiềm năng làm tổ và cho ra em bé so với các phôi có tiềm năng thấp. Ngoài ra, do quần thể nghiên cứu là những phụ nữ trẻ tuổi (trung bình 30 tuổi) nên có thể ở những quần thể nghiên cứu khác (chẳng hạn nhóm bệnh nhân lớn tuổi) có thể sẽ cho kết quả khác. Bên cạnh đó, việc chuyển phôi trong nghiên cứu này được thực hiện ở ngày 2 hoặc ngày 3 nên có thể sẽ không áp dụng được cho các phôi nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang.

Nguồn: Can novel early non-invasive biomarkers of embryo quality be identified with time-lapse imaging to predict live birth? J Barberet, C Bruno, E Valot, C Antunes-Nunes, L Jonval, J Chammas, C Choux, P Ginod, P Sagot, A Soudry-Faure, P Fauque, Human Reproduction, Volume 34, Issue 8, August 2019, Pages 1439–1449, https://doi.org/10.1093/humrep/dez085


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK