Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 19-08-2019 12:52pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS Lê Khắc Tiến – BV Mỹ Đức Phú Nhuận

Từ khi kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm xuất hiện, tiêu chí chuẩn để chọn phôi chuyển chủ yếu là dựa trên hình thái phôi. Việc chọn lựa phôi giúp tìm ra phôi có khả năng diễn tiến thành thai tốt nhất, giúp rút ngắn thời gian mong con của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong phân loại của Gardner, phôi được phân loại dựa trên độ nở của khoang phôi, chất lượng khối tế bào bên trong (inner cell mass – ICM) và trophectoderm. Cũng theo phân loại Gardner, khi chuyển hai phôi chất lượng tốt (³ 3AA) vào buồng tử cung, tỷ lệ làm tổ (khi tim thai xuất hiện) và tỷ lệ thai lâm sàng lần lượt là 70% và 87%. Khi chuyển một phôi chất lượng tốt vào buồng tử cung, tỷ lệ làm tổ và thai lâm sàng tương ứng là 50% và 70%. Một nghiên cứu gần đây của tác giả Romanski đánh giá chất lượng cộng gộp của một đoàn hệ phôi nang và phát hiện ra rằng tỷ lệ làm tổ giảm khi các phôi nang có hình thái xấu. Tuy nhiên, hình thái không phải là yếu tố quan trọng duy nhất ảnh hưởng tới kết cục thai kỳ, bởi còn tác động của các yếu tố của labo như chất lượng không khí, chất lượng đào tạo, kinh nghiệm của chuyên viên phôi học và hệ thống nuôi cấy. Bên cạnh những yếu tố kể trên, kết cục thai kỳ còn do tác động của các yếu tố trước khi điều trị như nguyên nhân hiếm muộn, di truyền, chế độ ăn và kích thích buồng trứng. Một nghiên cứu của tác giả Jones đã phát hiện ra mối tương quan tích cực giữa số lượng phôi nang (blastocyst) được hình thành và số lượng trứng, số lượng phôi phân cắt (cleavage). Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu nói về số lượng blastocyst và kết cục thai kỳ trong thụ tinh trong ống nghiệm, dù trong các khuyến cáo gần đây nói rằng ở những phụ nữ dưới 38 tuổi thì nên chuyển đơn phôi để tối ưu hóa thai kỳ và giảm đa thai.

Để làm rõ liệu có hay không mối liên hệ giữa số lượng blastocyst và kết cục thai kỳ ở những lần chuyển phôi, tác giả Smeltzer và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên 16.666 bệnh nhân của Hội Kỹ thuật Hỗ trợ Sinh sản (Society for Assisted Reproductive Technology). Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng khi có nhiều phôi nang thì xác suất chọn nhầm phôi sẽ tăng lên hoặc sự tiếp nhận của nội mạc tử cung sẽ giảm, ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi. Các kết cục chính được ghi nhận là tỷ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống và sẩy thai. Nghiên cứu sử dụng hồi quy logistic để đánh giá mối tương quan giữa số lượng blastocyst và từng kết cục riêng biệt.

Kết quả cho thấy khi so sánh tỷ lệ chuyển phôi tươi đơn phôi, tỷ lệ kết cục tốt tăng lên đáng kể khi số lượng phôi tăng lên, tăng tối đa khi có 5 blastocyst và giảm 2% cho mỗi một blastocyst tăng lên sau đó. Tương tự như trên, tỷ lệ sinh sống tăng lên 17% khi bệnh nhân có thêm một blastocyst, tối đa 5 blastocyst và giảm 2% cho mỗi một blastocyst tăng lên sau đó. Số lượng blastocyst không có mối liên quan với tỷ lệ sẩy thai.

Từ kết quả trên cho thấy tỷ lệ kết cục thai kỳ tốt tăng lên có ý nghĩa thống kê khi số lượng blastocyst tăng thêm, và đạt tối đa ở ngưỡng 5 blastocyst, nhưng lại giảm sau đó. Nghiên cứu được thực hiện với các trường hợp chuyển đơn phôi blastocyst trong chu kỳ chuyển phôi tươi tự thân. Tỷ lệ thai giảm khi có hơn 5 blastocyst có thể được giải thích do tác động xấu lên khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung ở những bệnh nhân chuyển số lượng lớn phôi hoặc do thiếu sót trong chọn lọc phôi tốt nhất để chuyển nếu chỉ dựa trên hình thái học phôi.


Nguồn: Smeltzer, S., Acharya, K., Truong, T., Pieper, C., & Muasher, S. (2019). Clinical pregnancy and live birth increase significantly with every additional blastocyst up to five and decline after that: an analysis of 16,666 first fresh single-blastocyst transfers from the Society for Assisted Reproductive Technology registry. Fertility and Sterility. doi:10.1016/j.fertnstert.2019.06.030  

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK