Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 06-07-2019 2:45pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Sẩy thai liên tiếp là dạng biến chứng thai kỳ chưa rõ nguyên nhân. Đã có nhiều tranh cãi trong việc chẩn đoán và điều trị tuy nhiên chỉ có một thoả thuận chung là sẩy thai liên tiếp liên quan đến các yếu tố kết hợp từ người nam và nữ vô sinh. Cho đến nay, tinh dịch đồ là xét nghiệm đầu tay đánh giá khả năng sinh sản của nam giới tuy nhiên kết quả tinh dịch đồ vẫn chưa phản ánh được mối tương quan đến sẩy thai liên tiếp.



Vài năm gần đây, vai trò của tính toàn vẹn DNA tinh trùng trong dự đoán khả năng sinh sản của nam giới, sự phát triển phôi, chất lượng phôi, khả năng làm tổ và mang thai thu hút được nhiều sự quan tâm. Đã có một số nghiên cứu về mối tương quan giữa phân mảnh DNA tinh trùng và sẩy thai liên tiếp cho thấy ở nhóm bệnh nhân sẩy thai, chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) cao đáng kể so với nhóm chứng. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng không có mối tương quan giữa 2 kết quả này. Vì vậy vai trò của việc đánh giá tính toàn vẹn DNA tinh trùng trong dự đoán về kết quả sẩy thai liên tiếp vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Mặc dù vậy, DFI vẫn được một số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm sử dụng như yếu tố dự đoán cho khả năng sẩy thai liên tiếp, tỉ lệ thai cũng như một số bất thường trên trẻ sinh sống.

Hiện nay trong các kỹ thuật đo chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng, SCSA là kỹ thuật được sử dụng phổ biến tại các trung tâm đánh giá vì có ngưỡng giá trị tham khảo chuẩn cũng như đây là kỹ thuật được xem như “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng. Vì vậy, Minmin Yuan và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá mối tương quan giữa DFI đo bằng kỹ thuật SCSA và sẩy thai liên tiếp. Thêm nữa, nhóm nghiên cứu này còn hướng đến việc thiết lập một ngưỡng giá trị phân mảnh DNA tinh trùng chuẩn để dự đoán khả năng sẩy thai liên tiếp của một cặp vợ chồng vô sinh thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm và mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu này là đánh giá mối tương quan giữa DFI tinh trùng và các thông số trong xét nghiệm tinh dịch đồ.

Nghiên cứu thu thập số liệu trên tổng số 139 cặp đôi sẩy thai liên tiếp từ 10/2017 đến 3/2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- DFI trung bình ở nhóm nghiên cứu là 13,84%, cao đáng kể so với nhóm chứng là 9,86%.
- Bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có DFI từ 15 - 30% và > 30% cao đáng kể.
- Khi so sánh trong 2 nhóm có DFI < 13,59% và ≥ 13,59% với các thông số tinh dịch đồ, kết quả cho thấy DFI chỉ có tương quan với số ngày kiêng xuất tinh và phần trăm tinh trùng di động tiến tới.
- DFI có xu hướng giảm dần trong 3 nhóm kiêng xuất tinh > 7 ngày, từ 3 - 7 ngày và < 3 ngày trong khi HDS không có sự khác biệt. Điều này cho thấy thời gian kiêng xuất tinh ngắn có thể làm giảm DFI.

Ngoài ra, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng không có mối tương quan giữa DFI và số lượng tinh trùng.
Như vậy, nghiên cứu này cho thấy rằng có mối tương quan giữa chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng và sẩy thai liên tiếp, DFI càng cao khả năng sẩy thai càng cao. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời gian kiêng xuất tinh có mối tương quan thuận với DFI. Nghiên cứu này khuyến cáo việc sử dụng DFI như yếu tố dự đoán về khả năng sẩy thai khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận.
Nguồn: Sperm DNA fragmentation valued by SCSA and its correlation with conventional sperm parameters in male partner of recurrent spontaneous abortion couple. Bioscience trends. 10.5582/bst.2018.01292.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK