Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 02-07-2019 9:09am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS Lê Khắc Tiến – BV Mỹ Đức Phú Nhuận

Sẩy thai liên tiếp (recurrent pregnancy loss – RPL) được định nghĩa là có sẩy thai lâm sàng hai lần trở lên, liên tiếp nhau. Sẩy thai liên tiếp đến thời điểm hiện tại vẫn còn là một vấn đề khiến các nhà lâm sàng đau đầu vì ước tính có đến 60-70% trường hợp sẩy thai liên tiếp là chưa rõ nguyên nhân. Mặc dù các yếu tố từ phía nữ giới đã được nghiên cứu rất nhiều và xác định có liên quan đến sẩy thai liên tiếp, nhưng lại có ít bằng chứng chứng minh được mối liên quan của yếu tố nam. Một vài nghiên cứu gần đây nhất có kết luận rằng 40-50% các trường hợp sẩy thai liên tiếp có yếu tố nam tác động. Một vài nghiên cứu khác tìm hiểu mối liên quan giữa kết quả tinh dịch đồ và sẩy thai liên tiếp vô căn, nhưng kết quả của từng nghiên cứu rất khác biệt. Do đó, khi cần đánh giá các trường hợp sẩy thai liên tiếp vô căn, thông thường bác sĩ chỉ định nhiễm sắc thể đồ ở nam trong khi mối liên quan giữa các chỉ số về chất lượng tinh dịch bao gồm phân mảnh DNA tinh trùng và sẩy thai liên tiếp vô căn vẫn chưa được giải đáp. Nhằm đưa ra lời giải đáp thích hợp cho vấn đề trên, tác giả Tan và các cộng sự đã thực hiện một tổng quan hệ thống và phân tích gộp để tìm ra liệu có hay không có tồn tại mối liên quan giữa sự phân mảnh DNA tinh trùng (SDF) và sẩy thai liên tiếp.

Tác giả đã tổng hợp 12 nghiên cứu tiến cứu và 2 nghiên cứu hồi cứu, trong đó nhóm bệnh là 530 nam giới với tiền căn của người vợ là sẩy thai liên tiếp và đã từng làm xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng, so sánh với nhóm chứng bao gồm 639 nam giới có DNA tinh trùng bình thường. Phân mảnh DNA tinh trùng được đo lường bằng nhiều phương pháp như comet assay, TdT (Terminal deoxynucleotidyl transferase), TUNEL (mediated dUDP nick-end labelling), SCD (sperm chromatin dispersion) hoặc khảo sát cấu trúc chromatin tinh trùng (sperm chromatin structure assay - SCSA).
Kết quả cho thấy, tỉ lệ sẩy thai liên tiếp vô căn ở những trường hợp nam giới có SDF bất thường cao hơn so với những trường hợp nam giới bình thường (Khác biệt trung bình 11.98, P<0,001). Phân tích phân nhóm đã cho kết quả khác biệt trung bình  tương tự giữa RPL và nhóm chứng bằng chỉ số SCD và TUNEL. Phân tích hồi quy cho tuổi của nam giới và độ di động tinh trùng trung bình ở nhóm sẩy thai liên tiếp cho thấy không ảnh hưởng đáng kể đến sự khác biệt trung bình trong SDF (P>0,1).

Kết quả từ nghiên cứu trên ủng hộ giá trị của xét nghiệm SDF khảo sát hiếm muộn nam cũng như gợi ý rằng yếu tố di truyền từ nam giới có thể liên quan đến sẩy thai liên tiếp. Tác giả cũng đề xuất thêm trong tương lai, cần có thêm nhiều nghiên cứu tiến cứu đánh giá mức độ tiên đoán của SDF ở các trường hợp sẩy thai liên tiếp vô căn.

Nguồn: Tan, J., Taskin, O., Albert, A., & Bedaiwy, M. A. (2018). Association between Sperm DNA Fragmentation and Idiopathic Recurrent Pregnancy Loss: A Systematic Review & Meta-Analysis. Reproductive biomedicine online.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK