Tin tức
on Saturday 06-07-2019 2:41pm
Danh mục: Tin quốc tế
Thủy tinh hóa (vitrification) noãn/phôi hiện tại là phương pháp trữ lạnh đang được sử dụng phổ biến tại các lab trên toàn thế giới. Do các đặc điểm về hình thái và sinh lý của noãn (chứa nhiều nước, tỉ lệ bề mặt so với thể tích lớn, thoi vô sắc nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, …) nên việc trữ/rã noãn cho tỉ lệ thành công không cao như trữ/rã phôi. Tuy nhiên, nhờ các cải tiến về kỹ thuật cũng như môi trường trữ/rã đã giúp tỉ lệ noãn sống sau rã đạt 85-91% (Sole và cộng sự, 2013).
Trong phương pháp thủy tinh hóa có 2 phương pháp đang được sử dụng là phương pháp mở (open method – được sử dụng phổ biến tại các lab) và phương pháp đóng (closed method – ra đời sau và hiện bắt đầu được sử dụng phổ biến). Trong quá trình thủy tinh hóa mở, noãn được đặt lên dụng cụ chứa và tiếp xúc trực tiếp với nitơ lỏng. Tốc độ làm lạnh nhanh hơn, nhưng nguy cơ nhiễm chéo trong nitơ lỏng, mặc dù chưa được báo cáo, về lý thuyết có thể xảy ra. Trong phương pháp đóng, dụng cụ chứa noãn được hàn kín giúp noãn tránh tiếp xúc trực tiếp với nitơ lỏng. Tốc độ làm lạnh thấp hơn nhưng tránh được nguy cơ nhiễm chéo.
Như vậy, với 2 phương pháp thủy tinh hóa mở và đóng như trên, liệu tỉ lệ noãn sống sau rã có khác nhau hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả Pujol và cộng sự (2018) đã thực hiện nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu chia noãn so sánh tỉ lệ sống và tỉ lệ thụ tinh sau rã đông trên các noãn hiến sử dụng phương pháp mở (Cryotop – Kitazato) và phương pháp đóng (Rapid-I, Vitrolife). Ngoài ra, tác giả còn đánh giá tỉ lệ thai (thai sinh hóa, thai lâm sàng, thai diễn tiến, tỉ lệ trẻ sinh sống) tính trên mỗi ca chuyển phôi và tỉ lệ thai cộng dồn. Nghiên cứu bao gồm 83 người hiến noãn, mỗi người hiến tối thiểu 12 noãn trưởng thành (MII) khi chọc hút. Các noãn này sẽ được tách bỏ cumulus và 6 noãn MII từ mỗi người hiến được thủy tinh hóa bằng phương pháp mở và sau đó được chỉ định cho một người nhận, trong khi 6 noãn MII khác được thủy tinh hóa bằng phương pháp đóng và được chỉ định cho một người nhận khác (phân tích bắt cặp). ICSI được thực hiện ở tất cả các trường hợp và chuyển phôi được thực hiện vào ngày 2 hoặc ngày 3.
Các người hiến noãn trong nghiên cứu trung bình là 24,8 tuổi (± 4,7). Tuổi người nhận (trung bình 41,2 tuổi ± 4,7) và BMI (trung bình 23,8 kg/m2 ± 4,0) tương tự nhau giữa các nhóm người nhận. Các noãn được thủy tinh hóa bằng phương pháp đóng có tỉ lệ sống cao hơn (94,5% so với 88,9%, P = 0,002), nhưng tỉ lệ thụ tinh thấp hơn (57,1% so với 69,8%, P <0,001) so với phương pháp mở. Số lượng phôi tươi được chuyển trong hai nhóm trung bình là 1,8 (± 0,4). Thai sinh hóa (45% của phương pháp đóng so với 50% của phương pháp mở), thai lâm sàng (40% so với 50%) và tỉ lệ thai diễn tiến (37,5% so với 42,5%) không khác nhau giữa các nhóm (P> 0,05) cũng như tỉ lệ trẻ sinh sống (37,5% so với 42,5%, P> 0,05). Kết quả thai cộng dồn (thu được sau khi chuyển tất cả các phôi) cũng tương tự giữa các nhóm. Ngoài ra, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ sẩy thai cũng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm.
Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù thủy tinh hóa bằng phương pháp đóng (Rapid-i) cho kết quả noãn sống sau rã cao hơn, còn phương pháp mở (Cryotop) cho kết quả thụ tinh tốt hơn, nhưng cả 2 phương pháp đều cho các kết quả thai tương tự nhau kể cả thai cộng dồn. Tuy nhiên, nghiên cứu lưu ý rằng noãn trong nghiên cứu này được thu nhận từ các người hiến noãn trẻ tuổi và khỏe mạnh, do đó các noãn này có chất lượng cao. Vì vậy, kết quả nghiên cứu không nên được suy rộng ra cho các nhóm đối tượng khác (ví dụ: phụ nữ trữ noãn để hoãn sinh con, bệnh nhân vô sinh hoặc bệnh nhân ung thư).
ThS. Nguyễn Hữu Duy – IVF Vạn Hạnh
Nguồn: A Pujol, M J Zamora, A Obradors, D Garcia, A Rodriguez, R Vassena, Comparison of two different oocyte vitrification methods: a prospective, paired study on the same genetic background and stimulation protocol, Human Reproduction, Volume 34, Issue 6, June 2019, Pages 989–997, https://doi.org/10.1093/humrep/dez045.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tuân thủ chế độ ăn Địa Trung Hải và tỷ lệ IVF thành công ở phụ nữ không béo phì - Ngày đăng: 03-07-2019
Mối tương quan giữa chỉ số HDS đo bằng kỹ thuật SCSA và sẩy thai sớm trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm - Ngày đăng: 03-07-2019
Phân tích biểu hiện gen trên Cumulus-corona kết hợp với đánh giá hình thái phôi trong các chu kỳ chuyển đơn phôi làm tăng tỷ lệ thai sau chuyển phôi tươi và giảm thời gian mang thai - Ngày đăng: 05-07-2019
Trẻ thụ tinh trong ống nghiệm có nguy cơ mắc ung thư hay không? - Ngày đăng: 02-07-2019
Vẫn còn chênh lệch lương theo giới tính của bác si Nội tiết Sinh sản/Vô sinh - Ngày đăng: 02-07-2019
DNA tinh trùng đứt gãy mạch đôi là nguyên nhân gây trì hoãn sự phát triển của phôi và có thể làm giảm tỉ lệ làm tổ - Ngày đăng: 02-07-2019
Cân nặng của trẻ sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm của phôi nang hoặc phôi phân chia: phân tích trên dữ liệu quốc gia - Ngày đăng: 02-07-2019
Nghiên cứu kết hợp tính đa hình đơn nucleotide của thụ thể FSH (Ser680Asn) và thụ thể AMH II (−482A>G) như dấu ấn di truyền trong hỗ trợ sinh sản - Ngày đăng: 02-07-2019
Chuyển phôi trữ lạnh sử dụng phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung nhân tạo gia tăng các bất lợi sản khoa - Ngày đăng: 02-07-2019
Mối liên quan giữa phân mảnh DNA tinh trùng và sẩy thai liên tiếp vô căn - Ngày đăng: 02-07-2019
Mối tương quan giữa hình thái và đặc điểm nhiễm sắc thể của phôi - Ngày đăng: 01-07-2019
Đánh giá tính hữu dụng của hợp tử 1PN trong IVF cổ điển - Ngày đăng: 01-07-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK