Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 02-01-2018 5:15pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Song thai có một thai lưu thường có nguy cơ sinh non và lưu cả thai còn lại, đặc biệt là song thai một bánh nhau. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được liệu tuổi thai vào thời điểm một thai lưu có liên quan đến kết cục thai kỳ của song thai hay không. Các nhà khoa học thuộc nhóm Southwest Thames Obstetric Research Collaborative (STORK) đã tiến hành một nghiên cứu nhằm khảo sát nguy cơ sinh non theo tuổi thai vào thời điểm chẩn đoán có 1 thai lưu trong tử cung trong thai kỳ song thai.

Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu các ca song thai khám thai tại 9 bệnh viện khác nhau trong khoảng thời gian 10 năm. Dữ liệu siêu âm được truy xuất với thông tin sinh tại bệnh viện và thông tin thai lưu theo hệ thống lưu trữ quốc gia do Trung tâm Maternal and Child Enquires cung cấp. Các trường hợp cả hai thai lưu hoặc một thai lưu sau 34 tuần không được nhận vào phân tích.


Kết cục nghiên cứu gồm (1) nguy cơ tương đối của sinh non trước 34, 32 và 28 tuần của các ca song thai có 1 thai lưu được so sánh với nhóm song thai không có thai lưu; (2) nguy cơ tương đối của sinh non trước 34 tuần được phân tầng theo tuổi thai vào thời điểm chẩn đoán có 1 thai lưu.

Phân tích này thực hiện trên 3013 thai kỳ song thai, trong đó có 2469 thai kỳ hai bánh nhau và 544 thai kỳ một bánh nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
-          Tuổi thai trung bình lúc sinh thì thấp hơn trong nhóm có 1 thai lưu so với nhóm không có thai lưu (32 tuần, khoảng cách giữa các tứ phân vị (interquartile range - IQR) là 29 – 34,3 tuần; so với 36,7 tuần, IQR 35 – 37,6 tuần; p < 0,001) và sự khác biệt này vẫn tồn tại khi phân tầng dữ liệu theo số bánh nhau (p < 0,0001 đối với cả hai trường hợp một bánh nhau hay hai bánh nhau).
-          Nguy cơ sinh non trước 34 tuần (RR 4,3; KTC 95% 3,5 – 5,2), trước 32 tuần (RR 6,1; KTC 95% 4,6 – 8,1) và trước 28 tuần (RR 12,4; KTC 95% 6,9 – 22,2) tuổi thai thì cao hơn ở nhóm song thai có thai lưu so với nhóm không có thai lưu. Mối liên quan này được quan sát thấy ở cả song thai một bánh nhau và hai bánh nhau.
-          Khi so sánh với thai kỳ hai bánh nhau, song thai một bánh nhau có 1 thai lưu không bị tăng nguy cơ sinh non trước 34, 32 hoặc 28 tuần.
-          Nguy cơ sinh non trước 34 tuần cao hơn khi thai lưu xảy ra ở tuổi thai lớn hơn (với kiểm định chi bình phương p < 0,001).
Nói tóm lại, những trường hợp song thai có một thai lưu, bất kể số bánh nhau, đều có nguy cơ sinh non cao hơn có ý nghĩa ở tuổi thai trước 34, 32 và 28 tuần. Nguy cơ sinh non trước 34 tuần thì cao hơn khi thai lưu xảy ra ở nửa sau của thai kỳ. Cần thực hiện thêm các nghiên cứu tiến cứu lớn đa trung tâm với cùng phác đồ quản lý trước sinh nhằm xác định nguy cơ sinh non thực sự của song thai có một thai lưu.

BS Nguyễn Khánh Linh
Nguồn: Influence of chorionicity and gestational age at single fetal loss on risk of preterm birth in twin pregnancy: analysis of STORK multiple pregnancy cohort. Obstetric and Gynaecology. Volume 50, Issue 6. December 2017: 723-727.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Sinh non làm tăng nguy cơ suy tim - Ngày đăng: 30-12-2017
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK