Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 12-05-2016 10:03am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

Nghiên cứu gợi ý rằng việc điều trị ngay lập tức thuốc kháng siêu vi là có lợi, đặc biệt với các trường hợp bệnh nặng.

Thai phụ nếu bị nhiễm cúm sẽ có nguy cơ cao hơn mắc cúm nặng và các biến chứng, bao gồm cả tử vong. Đối với những thai phụ nhập viện do cúm, việc điều trị sớm với thuốc kháng siêu vi cúm oseltamivir có thể rút ngắn thời gian nằm viện, đặc biệt đối với các trường hợp bệnh nặng. Điều này được gợi ý từ một nghiên cứu mới được công bố trên tập san “The Journal of Infectious Diseases” và có thể tham khảo nghiên cứu này trên mạng. Các phát hiện cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong nhóm dân số có nguy cơ này.

“Việc điều trị thai phụ bị cúm với các thuốc kháng siêu vi có lợi ích đáng kể về mặt làm giảm số ngày nằm viện” – ThS khoa học, BS. Sandra S. Chaves, của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), đồng thời là tác giả của nghiên cứu, phát biểu. CDC khuyến cáo việc điều trị cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm trong nhóm thai phụ với các thuốc kháng siêu vi càng sớm càng tốt, không cần chờ đợi các kết quả xét nghiệm khẳng định chắc chắn nhiễm cúm. “Điều trị càng sớm bao nhiêu, bạn có càng nhiều cơ hội tốt hơn để làm giảm bớt tiến trình của bệnh bấy nhiêu”.

Các nghiên cứu trước đây đều gợi ý rằng việc điều trị kháng siêu vi cúm là an toàn và có lợi cho thai phụ. Nghiên cứu mới nhất này, dựa trên dữ liệu từ một mạng lưới giám sát cúm quốc gia bao gồm 14 bang, tập trung vào những thai phụ nhập viện với nhiễm cúm được xác định từ phòng thí nghiệm qua 4 mùa cúm gần đây nhất, từ năm 2010 đến năm 2014. Trong quá trình nghiên cứu, 865 thai phụ nhập viện vì nhiễm cúm. 63 người trong các bệnh nhân này, khoảng 7%, mắc cúm nặng.

Sau khi điều chỉnh các bệnh lý nội khoa đi kèm, tình trạng tiêm ngừa, và tam cá nguyệt thai kỳ, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc điều trị sớm với thuốc kháng siêu vi oseltamivir có liên quan với một thời gian nằm viện ngắn hơn. Trong nhóm thai phụ bị mắc cúm nặng được điều trị sớm – trong vòng 2 ngày sau khi khởi phát các triệu chứng – trung vị thời gian nằm viện vào khoảng 5 ngày ngắn hơn so với nhóm thai phụ nhập viện vì mắc cúm nặng mà được điều trị trễ hơn (2,2 ngày so với 7,8 ngày). Nhóm thai phụ nhập viện với bệnh ít nặng hơn được điều trị sớm cũng cho thấy thời gian nằm viện ngắn hơn so với nhóm được điều trị trễ hơn, nhưng sự khác biệt không lớn như nhóm mắc cúm nặng.

Trong nghiên cứu, thai phụ nhập viện với mắc cúm nặng có khả năng được tiêm ngừa cúm chỉ bằng một nửa so với thai phụ nhập viện với bệnh nhẹ hơn (14% so với 26%). CDC khuyến cáo việc tiêm ngừa cúm hằng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm cả thai phụ trong bất cứ tam cá nguyệt nào của thai kỳ. Các nghiên cứu trước đây đều gợi ý rằng việc tiêm ngừa trong thai kỳ có thể bảo vệ không chỉ bà mẹ mà cả đứa con sơ sinh của họ trong vòng 6 tháng đầu đời. “Tất cả thai phụ nên được tiêm ngừa vắc xin cúm hằng năm để ngăn ngừa cúm và các biến chứng có liên quan cho chính họ và con của họ”, các tác giả của nghiên cứu viết.

Một bài bình luận có liên quan đến từ TS. BS. Alan T. N. Tita và TS. BS. William W. Andrews, của Đại học Alabama tại Birmingham, cùng với nghiên cứu mới này trên tờ báo “The Journal of Infectious Diseases”, viết: “Nhìn chung, sau khi xem xét các bằng chứng tích luỹ hiệu quả và độ an toàn cho thai nhi, việc tiêm ngừa cúm của thai phụ và phụ nữ sau khi sinh nên là một ưu tiên sức khoẻ cộng đồng cùng với các khuyến cáo quốc gia. Khuyến khích khởi động điều trị kịp thời thuốc kháng siêu vi nếu nhiễm cúm xuất hiện, tốt nhất là trong vòng 2 ngày sau khi nghi ngờ hoặc xác định chắc chắn nhiễm cúm”.

(Nguồn: medicalnewstoday 2/2016)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK