Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 12-05-2016 9:53am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

Tin tốt lành cho tất cả những phụ nữ đang mong muốn có con: ăn 30g sôcôla mỗi ngày trong thai kỳ có thể có lợi cho sự phát triển bào thai. Đây là kết luận của một nghiên cứu mới được trình bày gần đây tại Hội nghị thai kỳ 2016 của Hiệp hội Y khoa Bà mẹ - Thai nhi tại Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ.
 

Nghiên cứu cho thấy ăn 30g sô cô la mỗi ngày trong thai kỳ có lợi cho sự phát triển bào thai.

Các kết quả của nghiên cứu có khả năng được các phụ nữ chuẩn bị làm mẹ đón nhận nồng nhiệt, khi mà danh sách những thức ăn được khuyên nên tránh trong thai kỳ là rất dài. Trong khi bản thân sôcôla không có mặt trong danh sách này, những người sắp làm mẹ được khuyến cáo không nên ăn thoả sức sôcôla do chúng chứa nhiều chất béo, đường và caffeine trong thành phần. Tuy nhiên, có rất nhiều lợi điểm có thể đến từ việc tiêu thụ sôcôla một cách vừa phải. Sôcôla chứa flavanol – một dạng của flanovoid – đã được biết tới làm giảm nguy cơ các vấn đề tim mạch và làm giảm cholesterol; và sôcôla càng đen đậm thì càng chứa nhiều flavanol.

Các nghiên cứu trước đây cũng đều gợi ý rằng việc tiêu thụ sôcôla ở mức độ trung bình trong thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật – tình trạng máu cung cấp cho bào thai bị suy giảm do mẹ bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, BS. Emmanuel Bujold, của Université Laval Québec City, Canada, chú ý rằng các kết quả của nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa lượng sôcôla nhập trong thai kỳ và tiền sản giật còn đang mâu thuẫn với nhau, từ đó thúc đẩy BS. Bujold và các đồng nghiệp nghiên cứu sâu hơn về mối liên quan này.

Các nhà nghiên cứu tuyển chọn 129 thai phụ mang đơn thai giữa 11 đến 14 tuần tuổi thai. Tất cả các thai phụ đều có khuyết kép trong chỉ số mạch đập trên siêu âm Doppler động mạch tử cung tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Chỉ số mạch đập trên siêu âm Doppler động mạch tử cung là một xét nghiệm nhằm đo đạc dòng máu tới tử cung, bánh nhau và bào thai, và các khuyết là một chỉ dấu cho nguy cơ tiền sản giật, tăng huyết áp và các kết cục thai kỳ có khả năng khác. Các thai phụ được lựa chọn tiêu thụ 30g sôcôla có flavanol thấp hoặc cao mỗi ngày trong 12 tuần một cách ngẫu nhiên. Chỉ số mạch đập trên siêu âm Doppler động mạch tử cung được đo đạc lại lần nữa vào thời điểm cuối 12 tuần, đồng thời các thai phụ được theo dõi cho đến khi họ sinh con.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt nào trong tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ, cân nặng bánh nhau và cân nặng lúc sinh của trẻ giữa hai nhóm tiêu thụ sôcôla có flavanol thấp hoặc cao. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu xác định được một sự cải thiện có ý nghĩa thống kê trong chỉ số mạch đập trên siêu âm Doppler động mạch tử cung giữa cả 2 nhóm tiêu thụ sôcôla, và điều này gợi ý rằng cả sôcôla có flavanol thấp hoặc cao đều có thể có lợi cho sự phát triển bào thai. Nhóm nghiên cứu chú ý rằng sự cải thiện này là lớn hơn nhiều so với mong đợi bình thường trong nhóm dân số chung.

“Nghiên cứu này chỉ ra rằng sôcôla có thể có một ảnh hưởng tích cực lên bánh nhau và sự phát triển bào thai, đồng thời những hiệu quả của sôcôla là không đơn độc và trực tiếp do thành phần flavanol” – BS. Bujold phát biểu. “Chúng tôi không thể suy luận về tác động toàn bộ của sôcôla lên nguy cơ tiền sản giật từ các kết quả của nghiên cứu chúng tôi bởi vì chúng tôi không có một nhóm những phụ nữ không tiêu thụ sôcôla. Tuy nhiên, các nghiện cứu dịch tễ học trước đây cùng với các kết quả của chúng tôi gợi ý rằng việc tiêu thụ sôcôla đen trong thai kỳ có thể giúp cải thiện chức năng bánh nhau và làm giảm tiền sản giật”. BS. Bujold bổ sung thêm rằng bước tiếp theo dành cho nhóm nghiên cứu là tiến hành một thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên quy mô lớn nhằm xác định tốt hơn liệu việc tiêu thụ sôcôla trong nhóm các thai phụ có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật và các rối loạn tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ khác hay không.

(Nguồn: medicalnewstoday 2/2016)
Từ khóa: bào thai
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK