Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 02-07-2015 5:33pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (sudden infant death syndrome, SIDS) là tình trạng tử vong đột ngột ở trẻ bé hơn một tuổi mà nguyên nhân không thể xác định sau khám và tử thiết. Một nghiên cứu tại Colorado, Hoa Kỳ, cho thấy, trong khi SIDS cực kỳ hiếm, những trẻ sống ở vùng cao có nhiều khả năng bị hội chứng này hơn.

Tỷ lệ SIDS trên toàn bang Colorado vào khoảng 4,2 trẻ/10.000 trẻ sinh sống, nhưng nếu chỉ tính trong số trẻ sống ở độ cao trên 2.438 mét (~8.000 feet), tỷ lệ này gia tăng đến 7,9 trẻ/10.000 trẻ sinh sống.

Tác giả nghiên cứu, BS David Katz, đang làm việc tại đại học Colorado, trường Y ở Aurona, cho biết: “Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này giúp các gia đình đang sống ở vùng cao, cũng như các bác sĩ tư vấn cho họ, sẽ gia tăng cảnh giác về các yếu tố nguy cơ gây SIDS đã được biết nhằm giảm thiểu rủi ro”.

Để hiểu bằng cách nào độ cao ảnh hưởng đến nguy cơ SIDS, Katz và cộng sự đã tổng kết lại dữ liệu từ khoảng 393.000 trẻ sinh tại Colorado từ 2007 đến 2012, cùng với tỷ lệ tử vong được báo cáo trong giai đoạn này. Kết quả ghi nhận có 79,6% trẻ sống ở độ cao dưới 1.830 mét (~6.000 feet); 18,5% sống ở độ cao từ 1.830 mét đến 2.438 mét (~6.000 – 8.000 feet). Chỉ khoảng 1,9% sống ở độ cao trên 2.438 mét. Nghiên cứu cũng chứng tỏ, so với các trẻ sống ở độ cao thấp hơn, trẻ nhũ nhi sống ở những vùng cao trên 2.438 mét gia tăng 2,3 lần nguy cơ SIDS.
Mặt khác, trong việc phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ SIDS, bác sĩ nhi khoa cần khuyến khích cha mẹ trẻ  cho trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa trong nôi mà không kèm gối, mền, hay các vật mềm khác. Xoay quanh vấn đề này, các nhà nghiên cứu cũng tổng kết lại các dữ liệu từ 1990 đến 2012 để đánh giá tác động của chiến dịch đặt trẻ ngủ ở tư thế ngửa bắt đầu từ những năm giữa thập niên 90. Kết quả cho thấy từ 1990 đến 1993, trước chiến dịch cho trẻ ngủ ở tư thế ngửa, có khoảng 20 trường hợp SIDS mới cho mỗi 10.000 trẻ sinh sống. Từ 1997 đến 2012, tỷ lệ này giảm xuống còn 5,7/10.000 trẻ sinh sống.

Lý giải cho sự ảnh hưởng của độ cao đối với SIDS, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do nồng độ oxy thấp hơn trong khí quyển vùng cao đã đưa đến giảm oxy máu ở trẻ sống ở những vùng này.

Tuy nhiên, các tác giả cũng phát biểu “Đừng hoảng loạn nếu bạn đang sống ở vùng cao. Chỉ cần chú ý hơn để tránh các yếu tố nguy cơ chẳng hạn như giường mềm, để trẻ nằm úp mặt xuống giường” và “khuyến khích các hành vi có hiệu quả bảo vệ, chẳng hạn như đặt trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa và cho trẻ bú sữa mẹ”. Không tính đến độ cao, tất cả các gia đình nên luôn tuân thủ theo các khuyến cáo ngủ an toàn cho trẻ để giúp giảm thiểu nguy cơ SIDS và đồng thời cũng giúp ngăn ngừa tổn thương hay tử vong ngẫu nhiên do ngạt thở.
(Nguồn: www.medscape.com/viewarticle/845316?nlid=81846_2046&src=wnl_edit_medn_peds&uac=131105SK&spon=9)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK