Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 19-05-2015 10:56am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS.BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi – ĐHYD TP.HCM


Trẻ em được khuyến cáo tiêm chủng định kỳ khi còn nhỏ nhằm giúp trẻ đủ khả năng chống lại những bệnh có thể đe doạ tính mạng. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chính các bậc phụ huynh đang gia tăng áp lực lên các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ để trì hoãn việc chủng ngừa, và hầu hết những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ không thể chống lại nổi áp lực này.
Nhóm nghiên cứu, bao gồm TS. Alison Kempe, giáo sư Nhi khoa kiêm giám đốc Trung tâm người lớn và trẻ em liên quan nghiên cứu những tác động trên sức khoẻ và khoa học sinh sản (ACCORDS) tại trường Y - Đại học Colorado và Bệnh viện Nhi Colorado, Hoa Kỳ, đã công bố những phát hiện của họ trên tạp chí “Pediatrics”.

Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo trẻ em nên được tiêm chủng 14 loại vắc xin từ khi mới sinh ra đến khi trẻ được 6 tuổi. Các bậc phụ huynh được khuyến cáo đưa con của họ đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng đã được đề xuất, nhấn mạnh rằng một số loại vắc xin nhất định cần được tiêm phòng ở độ tuổi cụ thể nhằm gia tăng hiệu quả của chúng. Ví dụ, vắc xin MMR (sởi, quai bị, rubella) được khuyến cáo tiêm phòng cho trẻ 2 liều, liều đầu nên được tiêm khi trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi và liều 2 được tiêm khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.

Nhưng trong nghiên cứu gần đây nhất, TS. Kempe và các đồng nghiệp nhận thấy rằng ngày càng nhiều các bậc phụ huynh đang yêu cầu các nhân viên y tế trì hoãn việc tiêm chủng cho con họ, chính điều này đã đặt con họ và những đứa trẻ khác vào nguy cơ mắc những bệnh lý có thể phòng tránh được.

Để tìm ra những phát hiện trên, các nhà nghiên cứu đã gửi các câu hỏi điều tra qua thư điện tử và thư tay cho 815 bác sĩ nhi và bác sĩ gia đình tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2012.
Các câu hỏi điều tra được đặt ra nhằm khảo sát các nhân viên y tế về mức độ thường xuyên nhận được yêu cầu trì hoãn lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 2 tuổi từ các bậc phụ huynh, cách họ đáp lại yêu cầu này và những lý do đằng sau câu trả lời của họ.
Trong số 534 (66%) bác sĩ nhi và bác sĩ gia đình trả lời các câu hỏi điều tra, có đến 93% nói rằng họ nhận được yêu cầu từ các bậc phụ huynh để kéo dài thời gian tiêm chủng cho trẻ, với 21% nhân viên y tế tiết lộ rằng họ đã nhận được những yêu cầu như vậy từ hơn 10% các bậc phụ huynh.

Theo những người được khảo sát, những lý do chính được các bậc phụ huynh viện dẫn để yêu cầu trì hoãn tiêm chủng cho trẻ bao gồm nỗi lo lắng về những biến chứng trước mắt và lâu dài của việc tiêm chủng, lo lắng vắc xin sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cho trẻ, và niềm tin rằng con họ ít có khả năng mắc phải những bệnh lý mà vắc xin có thể bảo vệ.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù có tới 87% người trả lời câu hỏi điều tra nói rằng họ tin những yêu cầu như vậy đặt trẻ vào nguy cơ mắc phải những bệnh lý có thể phòng tránh được và 84% cho rằng họ tin việc đưa trẻ trở lại các trung tâm y tế cho những mũi tiêm phòng riêng biệt sẽ làm trẻ đau hơn, nhưng phần lớn các nhân viên y tế “thường xuyên/luôn luôn” hay “thỉnh thoảng” đồng ý can thiệp tới lịch tiêm chủng.

Khoảng 82% những người được khảo sát cho rằng việc đồng ý với yêu cầu của các bậc phụ huynh để kéo dài lịch tiêm chủng sẽ giúp họ xây dựng niềm tin với gia đình, trong khi đó 80% tin rằng các gia đình sẽ rời bỏ phòng khám của họ nếu họ từ chối những yêu cầu này.

Trong khi phần lớn các bác sĩ gia đình và bác sĩ nhi tuyên bố sử dụng nhiều loại chiến lược khác nhau nhằm khuyến khích các bậc phụ huynh tham gia vào lịch tiêm chủng được khuyến cáo cho trẻ, hầu hết các bác sĩ đều nghĩ rằng chúng không thật sự hiệu quả.

TS. Kempe và các đồng nghiệp cho rằng những phát hiện của họ sẽ làm dấy lên nhiều nỗi lo ngại, chú ý nhiều đến vấn đề trì hoãn hay kéo dài việc tiêm chủng ở trẻ sẽ làm gia tăng tỷ lệ trẻ không tiêm chủng. Điều này sẽ đặt trẻ và những nhóm dân số dễ bị tổn thương khác – ví dụ như nhóm người cao tuổi – vào nguy cơ mắc phải những bệnh lý có thể phòng tránh được.

Các nhà nghiên cứu bổ sung thêm: “Hầu như tất cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đều phải đối mặt với những yêu cầu kéo dài việc tiêm chủng trong mỗi tháng, và phần lớn họ đều đồng ý làm như vậy mặc dù có rất nhiều nỗi lo ngại. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đang sử dụng nhiều chiến lược để đối phó với vấn đề này nhưng họ đều nghĩ rất ít trong số đó có hiệu quả. Chúng ta cần thêm những can thiệp dựa trên chứng cứ nhằm gia tăng việc tiêm chủng đúng thời điểm để hướng dẫn thực hành chăm sóc ban đầu và sức khoẻ cộng đồng.”

Nhóm nghiên cứu cho rằng những can thiệp để giáo dục cho các bậc phụ huynh về độ an toàn và hiệu quả của vắc xin nên được bắt đầu từ khi mới mang thai, và nhóm khuyến khích tăng cường tận dụng các mạng xã hội cũng như thông điệp cộng đồng trong việc giúp đỡ các bậc phụ huynh tạo ra những quyết định có hiểu biết về việc tiêm chủng cho con của mình.
(Nguồn: medicalnewstoday 3/2015)

 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK