Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 26-03-2015 9:28am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS: Lê Phạm Thu Hà

Sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ vị thành niên cùng với nguy cơ bị béo phì tiếp tục kéo dài tới tuổi trưởng thành đã thu hút nhiều sự quan tâm nhằm tìm ra những giải pháp để ngăn ngừa vấn đề này.  Đã có một số gợi ý cho thấy các bữa ăn gia đình, vốn thường có sự hiện diện của trái cây, rau xanh, calcium và ngũ cốc nguyên hạt, có khả năng giúp bảo vệ chống lại béo phì. Trong một nghiên cứu được đăng gần đây trên tạp chí nhi khoa “The Journal of Pediatrics”, các tác giả muốn tìm hiểu xem liệu những bữa ăn gia đình thường xuyên suốt thời kỳ niên thiếu có tác dụng bảo vệ chống lại việc thừa cân và béo phì khi trưởng thành hay không.
 
TS Jerica M. Berge, cùng các đồng nghiệp đến từ Đại học Minnesota và Đại học Columbia đã sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu cắt dọc kéo dài 10 năm (2287 người tham gia), được gọi là dự án EAT (Ăn uống và Hoạt động ở Trẻ thanh thiếu niên), để khảo sát các biến số liên quan đến cân nặng  (ví dụ như chế độ ăn, hoạt động thể lực, những hành vi để kiểm soát cân nặng) của trẻ thanh thiếu niên. Các tác giả đặt ra một số câu hỏi để đánh giá mức độ thường xuyên của những bữa ăn gia đình và chỉ số khối cơ thể (BMI).  Theo TS Berge, “Việc xác định những yếu tố bổ sung trong môi trường gia đình, ví dụ như bữa ăn gia đình, là hết sức cần thiết, vì nó có tác dụng bảo vệ chống lại thừa cân/béo phì cho tới khi trưởng thành”.


51% đối tượng tham gia nghiên cứu bị thừa cân và 22% bị béo phì. Trong nhóm trẻ vị thành niên được ghi nhận không bao giờ dùng những bữa ăn chung với gia đình, 60% bị thừa cân và 29% bị béo phì tại thời điểm theo dõi 10 năm. Nhìn chung, tất cả các đường biểu diễn tần suất của những bữa ăn gia đình, cho dù chỉ có 1-2 bữa ăn gia đình một tuần suốt thời kì thanh thiếu niên, đều cho thấy mối liên quan rõ rệt với khả năng giảm tỉ lệ thừa cân/béo phì sau 10 năm theo dõi khi so sánh với nhóm người chưa bao giờ dùng những bữa ăn chung với gia đình suốt thời kì niên thiếu. Không dừng lại ở đây, nghiên cứu còn cho thấy bữa ăn gia đình có hiệu quả bảo vệ đối với béo phì mạnh hơn ở nhóm thanh niên da đen khi so với thanh niên da trắng. Tuy nhiên, do mối liên quan với chủng tộc/ sắc tộc này có những giới hạn đáng kể, có thể kết luận rằng tác dụng bảo vệ của bữa ăn gia đình đối với trẻ vị thành niên bao phủ khắp tất cả các chủng tộc/sắc tộc.

Bữa ăn gia đình có thể giúp bảo vệ chống lại béo phì hoặc thừa cân vì việc tất cả các thành viên trong gia đình tụ họp lại để dùng chung bữa sẽ tạo cơ hội để gắn kết tình cảm, thức ăn cũng trở nên lành mạnh hơn đồng thời những trẻ vị thành niên còn có thể tiếp xúc với thói quen ăn uống lành mạnh của ba mẹ chúng. TS Berge lưu ý rằng: “Việc thông tin đến các bậc phụ huynh về việc ngay cả khi chỉ dùng một hoặc hai bữa ăn gia đình một tuần cũng có thể bảo vệ con của họ tránh khỏi thừa cân hoặc béo phì trong giai đoạn thanh thiếu niên là hết sức quan trọng”.  Những chuyên viên sức khoẻ cộng đồng và chăm sóc sức khoẻ trẻ vị thành niên có thể sử dụng thông tin này để cung cấp cho các bậc phụ huynh một công cụ khác để chống lại béo phì.

(Nguồn: Berge JM et al., 2014. The protective role of family meals for youth obesity: 10-year longitudinal associations. The Journal of Pediatrics. DOI 10.1016/j.jpeds.2014.08.030 )
Từ khóa: béo phì
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK