Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 30-12-2014 11:15am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Bích
 
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là quá trình cho phép trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài cơ thể. Để tăng khả năng thành công của thụ tinh trong ống nghiệm, cần kích thích buồng trứng để thu được số lượng trứng nhất định. Một trong những biến chứng của kích thích buồng trứng là hội chứng quá kích buồng trứng, xảy ra do tình trạng đáp ứng quá mức với kích thích buồng trứng, dẫn đến buồng trứng to ra và gây cảm giác căng đau, đồng thời có sự gia tăng nồng độ estrogen vượt quá mức sinh lý tại tử cung.

Một nghiên cứu mới đây do Gu-feng Xu cùng cộng sự thuộc đai học Chiết Giang ở Hàng Châu, Trung Quốc thực hiện đã cho thấy: ở một vài đứa trẻ ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, rối loạn chức năng tim có lẽ có liên quan đến tình trạng gia tăng nồng độ nội tiết tố quá mức ở người mẹ vào lúc thụ thai cũng như trong suốt thai kỳ.

Câu hỏi được đặt ra là cần phải làm gì để tránh hội chứng quá kích buồng trứng trong suốt quá trình thụ tinh trong ống nghiệm nhằm phòng ngừa biến chứng cho trẻ? Trên thực tế, các biến chứng của quá kích buồng trứng có thể gặp ở mẹ như xoắn hay vỡ buồng trứng, viêm tắc tĩnh mạch do huyết khối, và suy thận có thể phòng ngừa được bằng cách theo dõi và xử trí tích cực.

Giáo sư Xu cùng các cộng sự đã tiến hành so sánh chức năng tim bằng siêu âm tim Doppler màu giữa 42 đứa trẻ được sinh ra từ phương pháp IVF có mẹ bị quá kích buồng trứng, với 34 đứa trẻ sinh ra từ phương pháp IVF mà mẹ không bị quá kích buồng trứng, và 42 trẻ được mẹ mang thai tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu được trình bày trong hội nghị thường niên năm 2014 của Hội y học sinh sản Hoa Kỳ; và công bố trực tuyến vào ngày 30 tháng 9 trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism.

Theo giáo sư Xu, trong nghiên cứu này, hội chứng quá kích buồng trứng được chẩn đoán và phân độ dựa theo tiêu chuẩn của Golan và Weissman. Tình trạng quá kích buồng trứng bao gồm các đặc điểm: tăng nồng độ estradiol trong máu, nang buồng trứng lớn, và có tràn dịch đa màng (khoang phúc mạc, khoang màng phổi và khoang màng ngoài tim).

Tất cả những đứa trẻ từ 3 đến 7 tuổi vào thời điểm đánh giá hoặc mẹ có tiền căn bị bệnh tim được loại ra khỏi nghiên cứu.
Sau khi đánh giá bằng siêu âm tim Doppler xung, với tuổi thai và cân nặng lúc sanh đã được hiệu chỉnh, ghi nhận những đứa trẻ IVF sinh ra từ người mẹ bị hội chứng quá kích buồng trứng có tỉ lệ E/A qua van 2 lá (1.63) thấp hơn có ý nghĩa so với những đứa trẻ IVF mà mẹ không bị hội chứng quá kích buồng trứng (1.75; P= .054) và trẻ được mẹ mang thai tự nhiên (1.79; P< .01).

Ngoài ra, những đứa trẻ IVF phơi nhiễm với tình trạng gia tăng estradiol quá mức trong tử cung có đường kính của động mạch cảnh chung vào thời kỳ tâm thu nhỏ hơn so với những đứa trẻ IVF không phơi nhiễm (P= .02) và những trẻ được mẹ mang thai tự nhiên (P< .01).
Song song đó, những trẻ IVF có mẹ bị quá kích buồng trứng cũng bị suy giảm khả năng giãn mạch qua trung gian dòng chảy (5.13%) so với những trẻ IVF mà mẹ không bị quá kích buồng trứng (7.63%; P= .01) và những trẻ được mang thai tự nhiên (9.82%; P< .01).

Tác động trên biểu hiện protein
Trong một nghiên cứu chuyên biệt, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu dây rốn của bảy phụ nữ bị quá kích buồng trứng và bảy người phụ nữ mang thai tự nhiên. Kết quả phân tích protein cho thấy biểu hiện protein giữa hai nhóm rất khác nhau.

Giáo sư Xu ghi nhận nhóm phụ nữ bị quá kích buồng trứng có mô hình biểu hiện gen khác biệt với nhóm mang thai tự nhiên, từ đó cho thấy tác động của tình trạng quá kích buồng trứng lên biểu hiện protein của cơ thể.

Tác giả nhấn mạnh rằng những biến đổi ghi nhận được trong nghiên cứu này hầu hết vẫn nằm trong giới hạn bình thường và chỉ là kết quả cận lâm sàng. Mặc dù những điểm khác biệt trên đã được nhìn nhận là yếu tố nguy cơ tim mạch tiềm tàng, nhưng tác động lâu dài và mối liên kết giữa các yếu tố này với bệnh lý tim mạch khi trưởng thành vẫn chưa được biết một cách chính xác. Vì vậy, cần phải theo dõi lâu dài những đứa trẻ này để xác định liệu tình trạng quá kích buồng trứng khi mang thai thực sự có phải là một yếu tố nguy cơ trong tương lai.

Roger Hart, hiệu trưởng trường đại học Western Australia, giám đốc y khoa của Hiệp hội các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn và vô sinh Tây Đức (cả hai đều ở Perth) và là tác giả của bài viết tóm lược (review) về các dự hậu lâu dài của những đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp IVF (đăng trên Hum Reprod Update 2013;19:232-243), nhận xét “đây là một bài báo rất thú vị và đáng lưu tâm”. Ông còn cho biết: “Những đứa trẻ được chọn vào nghiên cứu đã bị rối loạn chức năng tim mạch vào thời điểm tuyển lựa, nhưng điều này lại ít được đề cập đến trong quá trình chọn mẫu của nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn không loại trừ khả năng sự khác biệt gen ở những người mẹ bị hội chứng quá kích buồng trứng sẽ làm gia tăng nguy cơ rối loạn chức năng tim mạch cho con của họ sau này.”

Theo giáo sư Hart, các trung tâm thực hiện IVF hiện nay đảm bảo được tỉ lệ bị quá kích buồng trứng ở mức thấp, do đã có sẵn nhiều phương tiện hỗ trợ để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra.
Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản quốc gia Trung Quốc, Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc, Dự án tài năng của tỉnh Chiết Giang và Các dự án công nghệ phúc lợi của tỉnh Chiết Giang.
Hội nghị thường niên năm 2014 của Hội y học sinh sản Hoa Kỳ: Tóm tắt O-67. Trình bày vào ngày 20 tháng 10, 2014.

Nguồn: http://www.medscape.com/viewarticle/833916
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK