Tương tác thuốc khi dùng chung ART và thuốc tránh thai rất đa dạng, và thay đổi ngay cả trong cùng một nhóm thuốc kháng virus, dẫn đến có thể làm tăng hoặc giảm thành phần có trong thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai dùng đường uống được sử dụng rộng rãi và đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng phối hợp với ART; những nghiên cứu này cho thấy nguy cơ xảy ra tương tác thuốc khi dùng chung với một số thuốc kháng virus HIV, dẫn đến ảnh hưởng lên tính an toàn và hiệu quả của thuốc tránh thai.
Một nghiên cứu đã được công bố mô tả tác động của lopinavir/ritonavir lên thuốc tránh thai dạng miếng dán trên da chứa cả estrogen và progestin, và các tương tác tương tự như vậy cũng xảy ra đối với đường uống [4]. Medroxyprogesterone dạng tiêm hiện nay đang được sử dụng trên thế giới, và vài dữ liệu nghiên cứu cho thấy có xảy ra tình trạng tương tác thuốc với ART, và dù vậy thuốc này vẫn được xem là một thuốc tránh thai có hiệu quả [3]. Nồng độ etonogestrel phóng thích từ que cấy dưới da giảm 63,4% khi dùng chung với efavirenz, trong khi lopinavir/ritonavir làm tăng nồng độ etonogestrel lên 52% [5]. Chỉ có thuốc tránh thai đặt âm đạo là chưa được mô tả tác động khi phối hợp với ART.
Đặc điểm của bệnh nhân cũng như các chỉ định dùng thuốc tránh thai giúp đánh giá tương tác thuốc. Ví dụ, nhiều quan điểm cho rằng hiệu quả ngừa thai có được khi dùng thuốc là do tác động của progestin chứa trong thuốc tránh thai phối hợp. Do đó, nếu sử dụng thuốc tránh thai để kế hoạch hóa gia đình, thì nồng độ progestin giảm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Mặt khác, nếu một phụ nữ có nguy cơ bị ngộ độc do estrogen, cần phải tránh các tương tác thuốc xảy ra khiến nồng độ estrogen tăng cao. Do ngưỡng giới hạn cụ thể giữa liều hiệu quả và liều gây độc của thuốc tránh thai vẫn chưa được biết rõ, nên có nhiều khó khăn trong việc đánh giá ảnh hưởng của tương tác thuốc.
Do tính đa dạng của tương tác thuốc và mỗi loại thuốc ART lại có khả năng tương tác khác nhau, nên nhiều nguồn tài liệu dùng để đánh giá ảnh hưởng của ART đối với thuốc tránh thai khi sử dụng phối hợp đã được biên soạn, bao gồm các guideline hướng dẫn điều trị HIV ở phụ nữ mang thai và phòng ngừa lây nhiễm chu sinh của Bộ Y tế và guideline hướng dẫn sử dụng ART ở người lớn và thanh thiếu niên bị nhiễm HIV. Các guideline này cung cấp các bảng biểu tóm tắt một cách đầy đủ và cập nhật về các tương tác thuốc đã biết, xảy ra khi dùng thuốc tránh thai [3], khi dùng các loại thuốc ART [6], và đề nghị liều giới hạn (nếu cần).
Trong khi những hiểu biết hiện tại của chúng ta về hiệu quả và tính an toàn của thuốc tránh thai khi dùng chung với ART vẫn còn hạn hẹp, thì hiện nay việc sử dụng phối hợp 2 thuốc này đang đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của người phụ nữ. Việc lựa chọn phương pháp tránh thai ở phụ nữ nhiễm HIV tốt nhất là nên tương tự với những người phụ nữ không nhiễm, bao gồm quan tâm đến nguyện vọng của họ, chỉ định điều trị và nguy cơ nhiễm độc [3]. Tuy nhiên, nếu một tương tác thuốc đã biết hoặc đang nghi ngờ có thể ảnh hưởng lên hiệu quả của thuốc tránh thai, nên xem xét sử dụng thêm một biện pháp ngừa thai thứ hai, bao gồm đặt vòng hay màng ngăn âm đạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Joint United Nations Programme on HIV/AIDS (UNAIDS). Global report: UNAIDS Report on the global AIDS epidemic 2013. November 2013. http://www.unaids.org/en/media/unaids/contentassets/documents/epidemiology/2013/gr2013/UNAIDS_Global_Report_2013_en.pdf Accessed October 16, 2014.
Centers for Disease Control and Prevention. HIV/AIDS. HIV among women. Updated March 12, 2014. http://www.cdc.gov/hiv/topics/women/index.htm Accessed October 16, 2014.
US Department of Health and Human Services Panel on Treatment of HIV-Infected Pregnant Women and Prevention of Perinatal Transmission. Recommendations for use of antiretroviral drugs in pregnant HIV-1-infected women for maternal health and interventions to reduce perinatal HIV transmission in the United States. Updated March 28, 2014. http://aidsinfo.nih.gov/contentfiles/lvguidelines/perinatalgl.pdf Accessed October 16, 2014.
Vogler MA, Patterson K, Kamemoto L, et al. Contraceptive efficacy of oral and transdermal hormones when co-administered with protease inhibitors in HIV-1-infected women: pharmacokinetic results of ACTG trial A5188. J Acquir Immune Defic Syndr. 2010;55:473-482. Abstract
Vieira CS, Bahamondes MV, de Souza RM, et al. Effect of antiretroviral therapy including lopinavir/ritonavir or efavirenz on etonogestrel-releasing implant pharmacokinetics in HIV-positive women. J Acquir Immune Defic Syndr. 2014;66:378-385. Abstract
US Department of Health and Human Services Panel on Antiretroviral Guidelines for Adults and Adolescents. Guidelines for the use of antiretroviral agents in HIV-1-infected adults and adolescents. Department of Health and Human Services. Updated May 1, 2014. http://aidsinfo.nih.gov/contentfiles/lvguidelines/adultandadolescentgl.pdf Accessed October 16, 2014.
BS Phạm Thị Ngọc Bích
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...