Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 06-02-2021 3:44pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My - Bệnh viện Mỹ Đức


Nguồn: hopkinsmedicine.org

Hội chứng thiếu máu – đa hồng cầu song thai (Twin anemia – polycythemia sequence – TAPS) được định nghĩa là có hiện tượng thiếu máu ở thai cho, đa hồng cầu ở thai nhận trên song thai một bánh nhau. TAPS xảy ra ở khoảng 3-5% thai kỳ song thai một bánh nhau và 2 - 16% khi có hội chứng truyền máu song thai. Hiện nay, dữ liệu về kết cục thai kỳ cũng như phác đồ quản lý và xử trí các trường hợp TAPS còn nhiều tranh cãi. Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp phân tích kết cục của các thai kỳ song thai một nhau hai ối (MCDA) có TAPS vừa được công bố kết quả. Tiêu chuẩn chẩn đoán TAPS trong tổng quan này bao gồm:
  • Chẩn đoán TAPS tiền sản cần kết hợp MCA-PSV ≥ 1,5 MoM ở thai thiếu máu và ≤ 1,0 MoM ở thai đa hồng cầu với điều kiện nước ối bình thường.
  • Chẩn đoán TAPS sau sinh dựa vào sự chênh lệch hemoglobin giữa hai thai ≥ 8.0 g/dL và có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: có sự thông nối mạch máu nhỏ trên bề mặt nhau thai sau khi tiêm thuốc nhuộm và/ hoặc tỷ lệ hồng cầu lưới thai cho/nhận ≥ 1.7.
Các kết cục được phân tích và đánh giá bao gồm tỷ lệ tử vong, bao gồm một thai hoặc cả hai thai chết trong tử cung (intrauterine death – IUD), tử vong trong vòng 28 ngày sau sinh (neonatal death – NND), tử vong chu sinh (IUD và NND), tỷ lệ sinh sống và số trẻ sinh sống. Kết cục thứ cấp bao gồm tỷ lệ sinh non <37 tuần, <34 tuần, <32 tuần và <28 tuần và tỷ lệ mắc bệnh thần kinh nặng, bao gồm xuất huyết não thất ≥ giai đoạn 3, giãn não thất, suy hô hấp, tăng áp phổi, loạn sản phổi, viêm ruột hoại tử, bệnh lý võng mạc, còn ống động mạch…

Tất cả các kết quả phân tích đều phân loại theo dạng TAPS (tự phát hoặc sau điều trị laser) và phương pháp điều trị TAPS (theo dõi, laser, truyền máu trong tử cung, giảm thai chọn lọc).

Kết quả phân tích cho thấy:
Tỷ lệ IUD là 5,32% (95% CI, 3,6–7,1) ở nhóm TAPS tự phát và 10,2% (95% CI, 7,4‐13,3) ở nhóm TAPS sau điều trị laser. Trong khi tỷ lệ NND tương ứng ở mỗi nhóm trên lần lượt là 4,0% (95% CI, 2,6‐5,7) và 9,2% (95% CI, 6,6‐12,3). Tỷ lệ sơ sinh mắc bệnh nặng là 29,3% (95% CI, 25,6‐33,1) ở nhóm TAPS tự phát và 33,3% (95% CI, 17,4-51,8) nhóm TAPS sau điều trị laser. Tỷ lệ mắc bệnh thần kinh nặng ở mỗi nhóm lần lượt là 4,0% (95% CI, 3,5‐5,7) và 11,1% (95% CI, 6,2‐17,2). Tỷ lệ sinh non là 86,3% (95% CI, 77,2‐ 93,3) ở nhóm TAPS tự phát và tất cả các trường hợp TAPS sau laser (95% CI, 84,3‐100). Tỷ lệ sinh non do tai biến thủ thuật nhiều hơn sinh non tự phát ở cả hai nhóm.
 
Kết cục thai kỳ theo phương pháp điều trị (418 trường hợp):
Tỷ lệ IUD là 9,8% (95% CI, 4,3‐17,1) ở nhóm theo dõi không can thiệp và 13,1% (95% CI, 9,2 - 17,6), 12,1% (95% CI, 7,7‐17,3) và 7,6% (95% CI, 1,3‐18,5) lần lượt ở các nhóm điều trị bằng laser, truyền máu trong tử cung và giảm thai chọn lọc.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng là 27,3% (95% CI, 13,6‐43,6) ở nhóm theo dõi không can thiệp, 28,7% (95% CI, 22,7‐35,1) ở nhóm điều trị bằng laser, 38,2% (95% CI, 18,3‐60,5) ở nhóm truyền máu trong tử cung và 23,3% (95%CI 10,5-39,2) ở nhóm giảm thai chọn lọc.
Tỷ lệ sinh non là 80,4% (95% CI, 59,8‐94,8), 73,4% (95% CI, 48,1‐ 92,3), 100% (95% CI, 76,5‐ 100) và 100% (95% CI, 39,8‐100) lần lượt ở các nhóm theo dõi không can thiệp, laser, truyền máu trong tử cung và giảm thai chọn lọc.
 
Như vậy, kết quả phân tích được từ tổng quan này cung cấp các tỷ lệ ước đoán về tỷ lệ tử vong chu sinh, tỷ lệ mắc bệnh và sinh non ở các trường hợp TAPS theo phân loại và phương pháp điều trị khác nhau. Mặc dù không thể so sánh trực tiếp, nhưng kết quả từ tổng quan hệ thống này cho thấy TAPS tự phát có thể có tiên lượng tốt hơn TAPS sau laser điều trị. Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh khi so sánh giữa các phương pháp xử trí TAPS khác nhau, dù những kết quả này phân tích dựa trên những hạn chế của các nghiên cứu ban đầu. Chiến lược quản lý TAPS được khuyến nghị hiện tại là cá nhân hóa các trường hợp TAPS, lưu ý mức độ TAPS và tuổi thai.
 
Lược dịch từ: Perinatal outcomes of pregnanacy complicated by twin anemia-polycythemia sequence: a systematic review and meta-analysis – accepted article – UOG Jan 2021.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK