Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 14-01-2021 1:51pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My

Kể từ khi có báo cáo đầu tiên về dịch COVID-19 hay SARS-CoV-2 vào tháng 12 năm 2019, số trường hợp được chẩn đoán xác định nhiễm cũng như tỷ lệ bệnh suất và tử vong liên quan COVID-19 đã tăng lên nhanh chóng và trở thành đại dịch toàn cầu.

Các công bố về COVID-19 trong thai kỳ qua các báo cáo trường hợp, báo cáo loạt ca, nghiên cứu mô tả và các tổng quan hệ thống ngày càng nhiều do phụ nữ mang thai được xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Điều này đến từ những lo ngại về ảnh hưởng của COVID-19 trong và sau thai kỳ cũng như ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ sơ sinh. Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp về đặc điểm lâm sàng, các yếu tố nguy cơ, kết cục chu sinh ở những phụ nữ mang thai nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19 vừa được đăng tải trên BMJ. Tổng quan này cung cấp thêm dữ liệu quan trọng về tỷ lệ COVID-19, các yếu tố nguy cơ, biểu hiện lâm sàng và kết cục thai kỳ - những yếu tố chính giúp lập kế hoạch chăm sóc và quản lý thai kỳ trong bối cảnh đại dịch.

Có 77 nghiên cứu được tổng hợp. Kết quả cho thấy có khoảng 10% (95% CI 7% - 14%; 28 nghiên cứu, 11.432 trường hợp) phụ nữ mang thai và vừa mang thai đến khám hoặc nhập viện vì bất kỳ lý do gì có nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19. Trong đó:
  • Các biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của COVID-19 trong thai kỳ là sốt (40%) và ho (39%). So với phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và mới mang thai mắc COVID-19 ít ghi nhận triệu chứng sốt hơn (OR 0,43, 95% CI 0,22 - 0,85; I2 = 74%; 5 nghiên cứu; 80.521 trường hợp); đau cơ cũng ít hơn (OR 0,48, 0,45 - 0,51; I2 = 0%; 3 nghiên cứu; 80.409 trường hợp); tăng nguy  cần nhập đơn vị săn sóc tích cực (OR 1,62, 1,33 - 1,96; I2 = 0%) và tăng nguy cơ cần thông khí xâm nhập (OR 1,88, 1,36 - 2,60; I2 = 0%; 4 nghiên cứu, 91.606 trường hợp).
  • 73 thai phụ (0,1%, 26 nghiên cứu, 11.580 trường hợp) chẩn đoán xác định nhiễm COVID-19 tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Các yếu tố liên quan đến COVID-19 nặng bao gồm: tuổi mẹ cao (OR 1,78, 1,25 - 2,55; I2= 9%; 4 nghiên cứu; 1058 trường hợp), chỉ số khối cơ thể (BMI) cao (OR 2,38, 1,67 - 3,39; I2 = 0%; 3 nghiên cứu; 877 trường hợp), tăng huyết áp mạn (OR 2,0, 1,14 - 3,48; I2 = 0%; 2 nghiên cứu; 858 trường hợp), và đái tháo đường (OR 2,51, 1,31 - 4,80; I2 = 12%; 2 nghiên cứu; 858 trường hợp).
  • Bệnh lý đi kèm ở mẹ là yếu tố làm tăng nguy cơ nhập đơn vị chăm sóc tích cực (OR 4,21, 1,06 - 16,72; I2 = 0%; 2 nghiên cứu; 320 trường hợp) và thông khí xâm lấn (OR 4,48, 1,40 - 14,37; I2 = 0%; 2 nghiên cứu; 313 trường hợp).
  • Tỷ lệ sinh non tự phát là 6% (95% CI  3% - 9%; I2 = 55%; 10 nghiên cứu; 870 trường hợp) ở thai phụ mắc COVID -19. Tỷ lệ sinh non bất kỳ (3,01, 95% CI 1,16-7,85; I2 = 1%; 2 nghiên cứu; 339 trường hợp) ở thai phụ mắc COVID-19 cao hơn so với những phụ nữ không mắc bệnh. Một phần tư số trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ nhiễm COVID-19 được theo dõi tại đơn vị sơ sinh (25%) và có nguy cơ nhập viện cao hơn so với những trẻ được sinh ra từ mẹ không mắc COVID-19 (OR 3,13, 95% CI 2,05 - 4,78, I2 = không ước lượng được; 1 nghiên cứu, 1121 trẻ sơ sinh).

Như vậy, kết quả phân tích cho thấy phụ nữ mang thai ít biểu hiện các triệu chứng thường gặp của COVID-19 là sốt và đau cơ so với những trường hợp không có thai. Nhiễm COVID-19 trong thai kỳ tăng nguy cơ nhập đơn vị chăm sóc tích cực. Các bệnh lý đi kèm, tuổi mẹ cao, BMI cao có vẻ là các yếu tố nguy cơ nặng của COVID–19 trong thai kỳ. Ngoài ra, kết quả phân tích còn cho thấy tỷ lệ sinh non ở nhóm thai phụ mắc COVID-19 cao hơn so với nhóm không mang thai. Dù vậy, hiện tại vẫn cần thêm dữ liệu nghiên cứu để chắc chắn rằng các biến chứng liên quan đến thai ở mẹ và trẻ sơ sinh gia tăng ở nhóm mắc COVID-19 so với nhóm không mắc bệnh. Tương tự, mối liên hệ giữa các yếu tố nguy cơ khác như dân tộc và các yếu tố nguy cơ chuyên biệt của thai kỳ như tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ liên quan đến thai và COVID-19 cần được đánh giá thêm. Một vài nghiên cứu nhỏ cho thấy tiền sản giật có liên quan đến COVID-19, nhưng cũng cần khảo sát thêm vì biểu hiện lâm sàng của tiền sản giật nặng có thể giống với COVID-19 diễn tiến nặng.

Lược dịch từ: Clinical manifestations, risk factors, and maternal and perinatal outcomes of coronavirus disease 2019 in pregnancy: living systematic review and meta-analysis - BMJ 2020; 370 doi: https://doi.org/10.1136/bmj.m3320 (Published 01 September 2020)

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK