Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-01-2021 9:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNHS Lê Thị Ngọc Trâm - IVFMD Phú Nhuận

Chlamydia trachomatis là một loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến cả ở những nước phát triển và đang phát triển. Vào năm 2017, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) có hơn 1,7 triệu trường hợp nhiễm chlamydia đã được ghi nhận. Nhiễm chlamydia có thể không gây triệu chứng đặc hiệu khiến nhiều trường hợp không được báo cáo, vì vậy số ca nhiễm chlamydia thực sự hàng năm có thể lên tới gần 3 triệu. Đàn ông và phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm chlamydia, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở phụ nữ trẻ đặc biệt trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi.

Các triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm chlamydia sinh dục ở phụ nữ bao gồm quan hệ tình dục đau, tiết dịch âm đạo bất thường và đau vùng bụng dưới. Ở một số phụ nữ, nhiễm chlamydia không được điều trị có thể gây ra viêm cổ tử cung có mủ và viêm nội mạc tử cung, thậm chí nhiễm trùng có thể lây lan đến ống dẫn trứng gây ra tình trạng viêm vùng chậu (PID). PID là một trường hợp cấp tính và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thực tế, khoảng 90% phụ nữ và 70% nam giới mắc chlamydia không có triệu chứng. Đáng lo hơn, việc nhiễm chlamydia có thể dẫn đến các kết cục bất lợi trước và trong khi mang thai như liên quan đến sẩy thai tự nhiên, ối vỡ non, thai ngoài tử cung, sinh non và thai chết lưu. Ngoài ra, nhiễm chlamydia còn có thể gây những ảnh hưởng vĩnh viễn đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Tang và cộng sự (2019) đã tiến hành một phân tích gộp nhằm đánh giá các tác động tiêu cực của việc nhiễm chlamydia lên khả năng sinh sản thông qua việc tìm kiếm các nghiên cứu liên quan từ ba cơ sở dữ liệu điện tử Pubmed, EMBASE và Cochrane. Các kết cục được phân tích gồm cả kết cục thai kỳ cũng như các kết cục về sức khỏe sinh sản. Các nghiên cứu được liệt kê trong phân tích gộp có thiết kế khác nhau, vì vậy kết quả phân tích tương quan giữa nhiễm chlamydia với các kết cục bất lợi được trình bày theo cả theo nguy cơ chưa hiệu chỉnh và hiệu chỉnh. Nghiên cứu đã xác định được 4.730 trích dẫn bao gồm 107 nghiên cứu, báo cáo tổng cộng 12 kết cục thai kỳ và khả năng sinh sản liên quan đến nhiễm chlamydia. Trong đó, 68 nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao, 37 nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, và 2 nghiên cứu được thực hiện ở cả các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp. Các kết cục được ghi nhận gồm tử vong chu sinh, vô sinh, vô sinh liên quan đến ống dẫn trứng, chuyển dạ sinh non, thai ngoài tử cung, trẻ nhẹ cân khi sinh, tuổi thai nhỏ, ối vỡ sớm, viêm nội mạc tử cung sau sinh, tiền sản giật. Nhiễm chlamydia có liên quan thuận với hầu hết các kết cục bất lợi trên thai kỳ và khả năng sinh sản, bao gồm thai lưu (OR = 5,05, KTC 95% 2,95 - 8,65 cho các nghiên cứu bệnh chứng và RR= 1,28, KTC 95% 1,09 - 1, 51 cho các nghiên cứu đoàn hệ) và sẩy thai tự nhiên (OR = 1,30, KTC 95% 1,14 - 1,49 cho các nghiên cứu bệnh chứng và RR=1,47, KTC 95% 1,16 - 1,85 cho các nghiên cứu đoàn hệ). Tuy nhiên, những sai lệch trong việc thiết kế và tiến hành từng nghiên cứu riêng lẻ có thể ảnh hưởng đến tính chắc chắn của toàn bộ bằng chứng được đánh giá trong phân tích gộp này. Ngoài ra, phân tích gộp này cũng ghi nhận các kết quả bất lợi liên quan đến chlamydia cao hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình so với các nước thu nhập cao.

Phân tích gộp này đã cung cấp thêm những dữ kiện nhằm khẳng định rõ hơn mối liên hệ giữa nhiễm chlamydia đến việc gia tăng nguy cơ một số kết cục bất lợi lên thai kỳ và khả năng sinh sản, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Dù có thể điều trị khỏi bằng liệu pháp kháng sinh, nhưng khả năng tái nhiễm chlamydia vẫn không thể được loại trừ hoàn toàn. Cần có những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai về việc dự phòng lây nhiễm chlamydia cũng như các biện pháp ngăn ngừa di chứng của nhiễm chlamydia ở phụ nữ mang thai.
 
Tài liệu tham khảo:
Tang W, Mao J, Li KT, et al. Pregnancy and fertility-related adverse outcomes associated with Chlamydia trachomatis infection: a global systematic review and meta-analysis. Sexually Transmitted Infections 2020;96:322-329.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK