Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 16-06-2020 1:37pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

NHS. Nguyễn Thị Ngọc Nữ IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức Tân Bình


Bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến ở phụ nữ mang thai (Hewitt và cs., 2010). Ước tính có khoảng 10% phụ nữ trên toàn thế giới đã trải qua trầm cảm trước sinh, tỉ lệ này còn cao hơn ở các nước đang phát triển, khoảng 15,6% (Sidhu và cs., 2019). Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trầm cảm trước sinh hiện hành cao, dao động từ 12.2% đến 29.1% (Nhi và cs., 2018; Van Ngo và cs., 2018). Hệ thống đánh giá của Biaggi đã nhấn mạnh nhiều yếu tố liên quan đến trầm cảm trước sinh như: thiếu sự hỗ trợ, quan tâm từ xã hội hoặc chồng, tiền sử bệnh tâm thần, lạm dụng tình dục, bạo hành gia đình, có thai ngoài ý muốn, các biến chứng của thai kỳ trong quá khứ hoặc hiện tại. Việc trầm cảm kéo dài trong suốt thai kỳ có thể làm tăng những bất lợi khi sinh bao gồm sinh non, trẻ sinh nhẹ cân hay chậm phát triển (Fekadu Dadi và cs., 2020; Gentile, 2017). Ngoài ra, phụ nữ bị trầm cảm trước sinh có nhiều khả năng phát triển thành trầm cảm sau sinh (Eastwood và cs., 2017; Ogbo và cs., 2019). Vì vậy, việc mô tả tình trạng trầm cảm trước sinh và các yếu tố liên quan ở phụ nữ mang thai tại Việt Nam là rất quan trọng. Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện tại bốn Bệnh viện phụ sản tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 9 năm 2019, bao gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng tham gia nghiên cứu phải thoả các tiêu chí sau: (1) thai phụ trên 18 tuổi; (2) phải đến cùng bệnh viện để kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong thời gian tham gia nghiên cứu; (3) đồng ý tham gia nghiên cứu; (4) có khả năng trả lời các câu hỏi.

Có 1260 phụ nữ mang thai được phỏng vấn bằng bảng câu hỏi. Các công cụ khảo sát gồm bảng câu hỏi về xã hội học, đặc điểm lâm sàng và thang đo trầm cảm sau sinh (EDPS - Edinburgh Postnatal Depression Scale). Nhóm nghiên cứu đã thu thập về độ tuổi, tuổi thai, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, thu nhập cá nhân hàng tháng, thu nhập hộ gia đình hàng tháng/người. Liên quan đến đặc điểm lâm sàng, các biến số quan trọng là số lần mang thai, tiền sử sẩy thai, phá thai, sinh non và thai ngưng tiến triển, cách sinh, ý định sinh, khoảng thời gian từ lần mang thai cuối, tiền sử hoặc các bệnh phụ khoa hiện mắc phải, các bệnh lý kèm theo, các dấu hiệu bất thường thai nhi. EPDS là công cụ sàng lọc được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá các triệu chứng trầm cảm (Hewitt và cs., 2010). Đây là bộ câu hỏi tự trả lời gồm 10 mục về những cảm giác đã trải qua trong tuần trước đó, mỗi mục có 4 mức độ để trả lời tương ứng từ 0- 3 điểm với tổng số điểm dao động từ 0- 30. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tự đánh giá và trả lời câu hỏi không quen thuộc (Fisher và cs., 2004); do đó, việc thu thập số liệu bằng cách phỏng vấn riêng lẻ mang tính khả thi hơn. Giá trị ngưỡng của EPDS khác biệt tuỳ theo sự khác biệt về sự biểu hiện trầm cảm trước sinh và các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau giữa các quốc gia (Smith Nielsen và cs., 2018). Trong nghiên cứu này, các phụ nữ có số điểm EPDS từ 10 trở lên được xếp vào nhóm có nguy cơ trầm cảm trước sinh. Giá trị này đã được sử dụng trong các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam (Nhi và cs., 2018; Van Ngo và cs., 2018).

Về đặc điểm xã hội học, trong tổng số 1260 thai phụ tham gia nghiên cứu, đa số có trình độ trung học (64.6%) và sống tại các thành phố (73.6%). Hầu hết trong số họ sống với chồng (99.3%) và đã có việc làm (92.2%). Tuổi thai trung bình là 28.6 tuần. Thu nhập cá nhân hàng tháng trung bình 7.3 triệu đồng và thu nhập hộ gia đình hàng tháng trung bình/người là 9.8 triệu. Về đặc điểm lâm sàng, gần một nửa tổng số thai phụ là mang thai lần đầu tiên. Đáng chú ý, gần một phần tư tổng số thai phụ có tiền căn sẩy thai (25.6%), trong khi đó, tiền sử phá thai (16.2%), sinh non (8.3%), thai lưu (11.9%), bệnh phụ khoa (13.4%) đều thấp hơn. Thai phụ hiện đang mắc các bệnh phụ khoa chiếm 8.3%. Liên quan đến ý định sinh con, phần lớn thai phụ được hỏi là có dự định sinh con (80.1%). Số lượng các ca sinh thường cao hơn các ca sinh mổ (lần lượt là 55.6% và 44.4%). Cần chú ý thêm, gần 10% các thai phụ được báo cáo có các dấu hiệu bất thường của thai nhi. Về đánh giá các triệu chứng trầm cảm trước sinh, đáng chú ý gần 25% thai phụ có nguy cơ trầm cảm trước sinh. Điểm EPDS trung bình là 6.2. Phân tích hồi quy tuyến tính ghi nhận phụ nữ có tuổi lớn hơn, tuổi thai lớn hơn và sống ở nông thôn, có nguy cơ trầm cảm trước sinh thấp hơn. Những người có trình độ học vấn cao hơn và có các dấu hiệu bất thường của thai nhi có nhiều khả năng bị trầm cảm trước khi sinh.

Kết quả từ nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ trầm cảm trước sinh cao (24,5%). Phụ nữ có thai nhi bất thường và trình độ trên trung học thường có nguy cơ trầm cảm trước sinh cao hơn.

Nguồn: Hue, M. T., Nguyet Van, N. H., Nha, P. P., Vu, N. T., Duc, P. M., Van Trang, N. T., … Tu, N. H. (2020). Factors associated with antenatal depression among pregnant women in Vietnam: A multisite cross-sectional survey. Health Psychology Open, 7(1), 205510292091407. doi:10.1177/2055102920914076.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK