Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 18-03-2019 7:11pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Th.S. Nguyễn Hữu Duy – Chuyên viên phôi học – IVF Vạn Hạnh

Một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân có thai thành công trong các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) là tối đa hóa chất lượng phôi, nhưng chất lượng phôi lại bị ảnh hưởng nhiều bởi các điều kiện nuôi cấy phôi. Để cải thiện điều kiện nuôi cấy phôi, nhiều loại môi trường nuôi cấy đã được nghiên cứu và phát triển với hai nhóm môi trường chính là môi trường chuyển tiếp (sequential media) và môi trường đơn bước (single-step media). Với sự ra đời của hệ thống quan sát phôi liên tục và xu hướng nuôi phôi nang để chuyển phôi, môi trường nuôi cấy đơn bước bắt đầu được sử dụng phổ biến do không phải thay môi trường mới như môi trường chuyển tiếp, giúp giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi với phôi khi mang ra ngoài tủ cấy. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của phôi giai đoạn sớm thành phôi nang bằng cách mô phỏng môi trường in-vivo, một số tác giả đã phát triển hệ thống đồng nuôi cấy phôi người.



Các hệ thống đồng nuôi cấy được phát triển vào những năm 1990, sử dụng một số loại tế bào không phải từ con người và từ tế bào sinh sản người. Do đó, vào năm 2002, FDA đã hạn chế sử dụng phương pháp đồng nuôi cấy trong điều trị IVF ở người để tránh nguy cơ truyền bệnh từ các dòng tế bào không phải từ người. Thay vào đó, đồng nuôi cấy nội mạc tử cung tự thân (autologous endometrial co-culture - AECC) đã được phát triển, sử dụng các tế bào nội mạc tử cung của chính bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh AECC có hiệu quả trên một số đối tượng bệnh nhân chuyên biệt như giảm dự trữ buồng trứng, tiền căn phôi kém hoặc thất bại làm tổ nhiều lần. Với giả thiết là mọi phụ nữ điều trị hiếm muộn đều có thể được hưởng lợi từ phương pháp AECC chứ không chỉ các nhóm đối tượng phụ nữ vô sinh chuyên biệt như các nghiên cứu trước, tác giả Cécile Le Saint và cộng sự (2018) thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chuyển một phôi nang (ngày 5 hoặc ngày 6) đồng nuôi cấy trên AECC so với trong môi trường thông thường (môi trường đơn bước) trong một đoàn hệ bao gồm nhiều nhóm bệnh nhân với các nguyên nhân vô sinh khác nhau.

Đây là một nghiên cứu can thiệp, ngẫu nhiên, mù đôi, thực hiện từ tháng 3 năm 2013 đến tháng 10 năm 2015, bao gồm 207 bệnh nhân được điều trị bằng IVF hoặc ICSI, trong đó 71 trường hợp bị loại trước khi thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên, còn lại 136 bệnh nhân với 63 bệnh nhân thuộc nhóm AECC và 73 bệnh nhân thuộc nhóm chứng. Trước khi vào chu kỳ điều trị, tất cả những người tham gia đã trải qua sinh thiết nội mạc tử cung ở ngày 5 đến ngày 7 sau rụng trứng, sau đó các tế bào nội mạc tử cung được chuẩn bị cho AECC. Phôi được chuyển sang môi trường nuôi cấy có AECC (nhóm nghiên cứu) và môi trường nuôi cấy phôi nang thường quy (nhóm chứng) vào cuối ngày 2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy AECC giúp tăng đáng kể tỷ lệ phôi nang chất lượng tốt so với nuôi cấy trong môi trường thông thường (42,6% so với 28,4%, P < 0,001). Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở tỷ lệ thai và tỷ lệ trẻ sinh sống giữa AECC so với môi trường nuôi cấy thông thường. Mặc dù không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, nhưng khi phân tích riêng tỷ lệ thai ở chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ, các tác giả nhận thấy rằng đối với chuyển phôi trữ, nhóm AECC cho kết quả thai cao hơn nhóm chứng; ngược lại, khi chuyển phôi tươi, nhóm chứng lại cho tỷ lệ thai cao hơn nhóm AECC. Ngoài ra, theo mô hình tiên lượng thai do nhóm này xây dựng, khi mỗi bệnh nhân chuyển hết các phôi trữ của mình, tỷ lệ thai và trẻ sinh sống của nhóm AECC cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng.

Như vậy, nghiên cứu này đã cho thấy những lợi ích của AECC trong việc cải thiện chất lượng phôi nang so với môi trường nuôi cấy phôi thông thường, trên một quần thể bệnh nhân IVF đa dạng hơn so với các nghiên cứu khác chỉ tập trung vào các đối tượng bệnh nhân vô sinh chuyên biệt. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có những hạn chế nên được xem xét như phân tích được thực hiện bằng cách sử dụng phôi chứ không phải bệnh nhân, và việc theo dõi tiếp tục trẻ em sau khi sinh ra bằng kỹ thuật AECC không thể được tiến hành trong nghiên cứu này.
 
Nguồn: Autologous endometrial cell co-culture improves human embryo development to high-quality blastocysts: a randomized controlled trial. Le Saint, Cécile et al. Reproductive BioMedicine Online, Volume 38, Issue 3, 321 - 329

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK