Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 22-04-2024 5:56am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Nguyễn Thị Tú Trinh – IVFMD Phú Nhuận
 
Giới thiệu
IVF và ICSI hiện là những hình thức thụ tinh được sử dụng phổ biến nhất trong hỗ trợ sinh sản. Trong chu kỳ điều trị IVF của các cặp vợ chồng hiếm muộn, noãn được cấy với tinh trùng bên ngoài cơ thể để đạt được sự thụ tinh. Nếu IVF không thành công (thất bại thụ tinh hoàn toàn: total fertilization failure – TFF) và không có phôi nào được hình thành, có thể tiến hành tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). TFF xảy ra ở 3,5–20% các chu kỳ IVF và hầu hết trong số các trường hợp là do tinh trùng không thể xâm nhập vào noãn. ICSI vượt qua các rào cản tự nhiên để thụ tinh bằng cách tiêm tinh trùng vào noãn và được coi là giải pháp cho TFF hoặc thụ tinh thấp trong IVF thông thường. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng ủng hộ việc sử dụng ICSI trong IVF cho tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với những người vô sinh không phải do yếu tố nam giới.  
 
Đối với trường hợp TFF khi thực hiện IVF, noãn đã trải qua IVF có thể được tiêm tinh trùng— gọi là Rescue ICSI. Rescue ICSI (RICSI), được định nghĩa là quá trình tái thụ tinh các noãn không được thụ tinh bằng ICSI sau IVF thông thường. RICSI phải được thực hiện vào ngày 1 sau khi lấy noãn, thường được gọi là 'RICSI muộn (L-RICSI)'. Tuy nhiên, do quá trình lão hóa noãn và sự không đồng bộ giữa phôi và tử cung, tỉ lệ thụ tinh của L-RICSI dao động từ 28,0% đến 60,2% và kết quả mang thai của L-RICSI dao động từ 0% đến 20,7%, điều này luôn gây thất vọng. Sau đó, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng thể cực thứ hai được giải phóng ở 80% noãn được thụ tinh sau 4 giờ sau khi tiếp xúc với tinh trùng và khoảng 90% noãn được thụ tinh sau 6 giờ. Dựa trên phát hiện này, Chen và Kattera (2003) trước tiên đưa ra thời điểm RICSI đến 6 giờ sau khi thụ tinh và đạt được tỉ lệ thụ tinh bình thường là 70,3% và tỉ lệ mang thai là 48,0%, một kỹ thuật được gọi là 'E-RICSI'. Các noãn IVF đã được ủ với tinh dịch trong vài giờ và việc loại bỏ các tế bào hạt xung quanh noãn và tiêm tinh trùng vào noãn xảy ra muộn hơn nhiều so với ICSI thông thường. Một số nhà nghiên cứu vẫn còn lo ngại về E-RICSI. Liệu các thủ tục này có ảnh hưởng xấu đến kết quả mang thai và sức khỏe của con cái hay không vẫn chưa chắc chắn và các nghiên cứu như vậy còn hạn chế. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá xem liệu việc giảm sự chậm trễ này có dẫn đến việc sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh hay không?
 
Câu hỏi nghiên cứu: E-RICSI có phải là kỹ thuật hiệu quả và an toàn so với ICSI thông thường không?
 
Phương pháp nghiên cứu
- Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện trên những bệnh nhân đã trải qua RICSI thông thường (không có IVF trước đó) hoặc E-RICSI trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 12 năm 2020 tại một bệnh viện liên kết với trường đại học. Sử dụng đối sánh điểm xu hướng 1:1, 1496 trường hợp được đưa vào mỗi nhóm.
- Các phôi trong nhóm E-RICSI được chia thành hai nhóm nhỏ: những phôi được thụ tinh bởi IVF (phân nhóm IVF) và những phôi được thụ tinh bởi E-RICSI (phân nhóm E-RICSI); dữ liệu phôi học, kết quả lâm sàng và dữ liệu sơ sinh của các phân nhóm này cũng được so sánh với nhóm ICSI thông thường. Hồi quy logistic được sử dụng để phân tích thống kê với khả năng điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn.
 
Kết quả
- Tỉ lệ 2PN, tỉ lệ hình thành phôi nang và tỉ lệ hình thành phôi nang hữu dụng của nhóm E-RICSI thấp hơn đáng kể so với nhóm ICSI thông thường (tỉ lệ 2PN: P < 0,001; tỉ lệ hình thành phôi nang hữu dụng: P < 0,001; tỉ lệ hình thành phôi nang chất lượng tốt: P = 0,004) và tỉ lệ thụ tinh bất thường trong nhóm E-RICSI cao hơn đáng kể so với nhóm ICSI thông thường ( P < 0,001).
- Tuy nhiên, số lượng 2PN, tỉ lệ phôi phân chia bình thường, tỉ lệ phôi phân chia chất lượng tốt ở ngày thứ 3 và tỉ lệ phôi nang chất lượng cao là tương tự nhau giữa các nhóm.
- Khi xem xét độc lập các phôi IVF và phôi E-RICSI trong nhóm E-RICSI, tỉ lệ 2PN của nhóm ICSI thông thường thấp hơn đáng kể so với phân nhóm E-RICSI nhưng cao hơn phân nhóm IVF. Trong khi tỉ lệ hình thành phôi nang và tỉ lệ hình thành phôi nang hữu dụng cao hơn phôi E-RICSI và có thể so sánh với phôi IVF.
- Về kết quả lâm sàng và sơ sinh, tỉ lệ làm tổ của phân nhóm E-RICSI thấp hơn đáng kể so với phân nhóm IVF nhưng có thể so sánh với nhóm ICSI thông thường. Trong khi tỉ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân (low birthweight – LBW) thấp hơn đáng kể so với nhóm ICSI thông thường nhưng tương tự với phân nhóm IVF. Không có sự khác biệt nào khác được quan sát giữa ba nhóm về tỉ lệ thai lâm sàng tích lũy, tỉ lệ sinh sống tích lũy và kết quả thai kỳ trên mỗi lần chuyển bao gồm mang thai lâm sàng, thai ngoài tử cung, sẩy thai và sinh sống, trong chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc đông lạnh. Hơn nữa, kết quả sơ sinh, bao gồm mổ lấy thai, tỉ số giới tính, nhẹ cân, sinh non và thai to, là tương tự nhau giữa các nhóm.
 
Kết luận
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, E-RICSI không có tác động bất lợi lên kết quả lâm sàng và trẻ sơ sinh so với ICSI thông thường. Do đó, thụ tinh ngắn hạn (3 giờ) kết hợp với E-RICSI có thể là một phương pháp an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa thất bại thụ tinh hoàn toàn và những bệnh nhân có tinh trùng bình thường hoặc ranh giới có thể được khuyến khích trải qua IVF trước. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn hạn chế bởi thiết kế hồi cứu, cỡ mẫu nhỏ và thời gian theo dõi ngắn. Do đó, tác giả kiến nghị cần thêm những thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đa trung tâm, quy mô lớn với thời gian theo dõi lâu dài để có thể kết luận rõ ràng về vấn đề này.
 
Nguồn: Jiang Y, Jin L, Huang B, Wu L, Ren X, He H. Cumulative live birth rate and neonatal outcomes after early rescue ICSI: a propensity score matching analysis. Hum Reprod Open. 2023 Nov 23;2023(4):hoad046. doi: 10.1093/hropen/hoad046. PMID: 38098746; PMCID: PMC10719215.

 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK