Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 19-10-2012 2:28pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

kiem_tra_vu Theo những phát hiện mới nhất từ Chương trình Tầm soát của Na-uy được báo cáo trong ấn bản ngày 3 tháng 4 của tạp chí Annals of Internal Medicine, tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh có thể chẩn đoán quá tay ung thư. Theo các nhà điều tra, việc chẩn đoán quá tay ung thư chẳng những liên quan đến vấn đề đạo đức mà còn tạo thêm gánh nặng cho bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe.

“Tầm soát bằng nhũ ảnh làm tăng tần suất ung thư vú do phát hiện bệnh sớm hơn hoặc chẩn đoán những trường hợp mà đáng lẽ sẽ không có biểu hiện lâm sàng trong suốt cuộc đời người bệnh,” theo BS Mette Kalager từ Harvard School of Public Health, Brigham and Women's Hospital, Boston, Massachusetts, và các cộng sự. “Việc chẩn đoán quá tay, về mặt lý thuyết, có thể xảy ra bởi vì khối u có thể không phát triển đến giai đoạn lâm sàng, hoặc vì người phụ nữ có thể chết vì nguyên nhân khác trước khi ung thư vú có biểu hiện… Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp trên, người phụ nữ đã được chẩn đoán và điều trị dù không có lợi ích sống còn nào đáng kể.”

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tỷ lệ phần trăm chẩn đoán quá tay ung thư vú dựa vào tầm soát bằng nhũ ảnh, được định nghĩa là tỉ lệ phần trăm các ca ung thư không có biểu hiện lâm sàng trong suốt cuộc đời người phụ nữ nếu họ không được tầm soát. Các nhà nghiên cứu ghi chú rằng sự thiếu các nhóm so sánh có giá trị trước đây đã gây cản trở việc đạt được mục tiêu nghiên cứu, do không thể phân biệt được xu hướng tăng tần suất của ung thư vú là do tầm soát hay do tần suất ung thư vú tăng theo thời gian.

Na-uy đã thực hiện chương trình tầm soát bằng nhũ ảnh khắp cả nước (Norwegian Screening Program) từ 1996 đến 2005 bằng việc mời những phụ nữ từ 50-69 tuổi tham gia. Các nhà nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ hiện mắc của ung thư vú xâm lấn từ 1996-2005 ở những nước đã thực hiện chương trình tầm soát với các nước chưa thực hiện. Họ cũng đánh giá tỷ lệ mắc bệnh trong các thập kỷ trước đó, nhằm đánh giá những thay đổi về tần suất ung thư vú theo thời gian.

Phương pháp đầu tiên để tính toán phần trăm chẩn đoán quá tay là tính độ giảm tỷ lệ mắc bệnh mong đợi sau khi ngưng tầm soát ở tuổi 69. Phương pháp thứ hai là so sánh tỷ lệ trong nhóm được tầm soát hiện tại với tỷ lệ trong số các phụ nữ lớn hơn 2-5 tuổi trong nhóm được tầm soát tại bệnh viện.

Trong số 39.888 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú xâm lấn, chương trình tầm soát giúp phát hiện 7793 trường hợp. Đối với phương pháp đầu tiên, tỷ lệ chẩn đoán quá tay liên quan đến chương trình tầm soát được ước tính từ 18-25%; và đối với phương pháp thứ hai, tỷ lệ này là 15-20% (P<0,001 đối với cả hai phương pháp). Giả sử tỷ lệ chẩn đoán quá tay là 15-25% các ca ung thư, thì có từ 6-10 phụ nữ sẽ bị chẩn đoán quá tay cho mỗi 2500 phụ nữ được mời tầm soát.

Hạn chế của nghiên cứu này bao gồm mức độ tin cậy của thông tin đăng ký và dữ liệu của người tham gia, sai số không đo được có thể có, thiếu dữ kiện về ung thư ống tuyến tại chỗ, và khoảng thời gian theo dõi bệnh nhân không đủ sau khi đưa vào tầm soát ở một vài khu vực nhằm đánh giá tỉ lệ ổn định của chẩn đoán quá tay.

Chẩn đoán quá tay gặp nhiều ở Mỹ hơn Châu Âu

Trong một bài xã luận đi kèm, Joann G. Elmore, MD, MPH, từ Đại học Y Khoa Washington ở Seattle, và Suzanne W. Fletcher, MD, từ Trường Y Khoa Harvard and Trung tâm chăm sóc sức khỏe tại chỗ của Harvard tại Boston, Massachusetts, lưu ý rằng đánh giá về chẩn đoán quá tay của người Na-uy không thể áp dụng cho Mỹ. Chắc chắn, việc chẩn đoán quá tay thậm chí còn thường gặp ở Mỹ hơn Na-uy, bởi vì các BS chẩn đoán hình ảnh ở Mỹ thường báo cáo các bất thường của nhũ ảnh nhiều hơn ở Châu Âu, và còn bởi vì phụ nữ Mỹ thường bắt đầu tầm soát bằng nhũ ảnh thường niên ở độ tuổi 40, trong khi phụ nữ Na-uy bắt đầu ở độ tuổi 50.

“Rốt cuộc thì, cần nhiều công cụ tốt hơn để xác định một cách tin cậy trường hợp ung thư vú nào sẽ gây tử vong nếu không điều trị, và trường hợp nào có thể theo dõi một cách an toàn một thời gian mà không cần can thiệp, song chúng ta không thể chờ cho đến khi những công cụ này ra đời” theo BS Elmore và BS Fletcher. “Các chiến lược đánh giá sự thay đổi của một vài tổn thương qua thời gian nên được đề nghị thay vì thực hiện sinh thiết ngay lập tức. Tuy nhiên, phương pháp “theo dõi-và-chờ” ('watch-and-wait') có thể gây lo lắng cho người bệnh, cũng như cho các BS chẩn đoán hình ảnh, những người không muốn bỏ lỡ bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh và sợ các vụ kiện do sơ suất.”

Các tác giả cũng chỉ ra rằng chẩn đoán quá tay chắc chắn sẽ tăng do chụp cộng hưởng từ và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh mới tiên tiến hơn được sử dụng.

“Cuối cùng thì, chúng ta có trách nhiệm phải cảnh báo cho bệnh nhân hiện tượng này,” các tác giả kết luận. “Hầu hết các thông tin dành cho bệnh nhân thậm chí không đề cập đến vấn đề chẩn đoán quá tay, và hầu hết những phụ nữ này cũng không biết về khả năng xảy ra. Cần quan tâm đến việc truyền đạt có hiệu quả về chẩn đoán quá tay ung thư vú, đồng thời đánh giá để quyết định cách làm nào là tốt nhất, nếu không những bệnh nhân này có thể trở nên sợ hãi hoặc giận dữ.”

BS.Huỳnh Thanh Sơn

Nguồn: http://www.medscape.com/viewarticle/761369?src=mpnews&spon=16

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK