Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 16-10-2012 2:13pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

nobel_y_hoc_2012 Giải Nobel Y học 2012 đã được trao cho hai nhà khoa học John B. Gurdon và Shinya Yamanaka.

 


Vào năm 1962, nhà khoa học người Anh John B. Gurdon đã tách nhân của một tế bào trứng ếch Xenopus laevis và thay vào đó bằng nhân của một tế bào ruột trưởng thành lấy từ nòng nọc cùng loài. Tại thời điểm ấy, khoa học vẫn chưa chắc chắn rằng liệu các tế bào khác nhau ở những phần khác nhau trong cơ thể có chứa đựng cùng một cấu trúc gen hay không. Nếu chúng chứa các cấu trúc gen khác nhau, nghĩa là số phận của từng tế bào đã được định đoạt – tế bào cơ tim ếch sẽ mãi là tế bào cơ tim ếch, tế bào ruột ếch sẽ mãi là tế bào ruột ếch – đồng nghĩa với việc từng tế bào này sẽ không thể nào phát triển thành một cơ thể ếch hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tế bào lai tạo của J.B. Gurdon đã phát triển thành một con nòng nọc hoàn chỉnh. Điều này giúp đưa đến suy đoán rằng từng tế bào trong cơ thể có thể mang cùng một bộ gen như nhau, và có thể giúp chuyển dạng thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể.

Hơn bốn thập niên sau, nhà khoa học người Nhật Shinya Yamanaka cùng cộng sự đã khám phá một số gen liên quan đến chuyển đổi tế bào gốc đa năng phôi thai chuột. Họ đưa bốn trong số các gen này, vốn là những gen mã hóa cho các protein đóng vai trò yếu tố sao mã, vào tế bào mô liên kết chuột, và những yếu tố này đã giúp tái lập trình các tế bào trưởng thành trở lại thành tế bào gốc đa năng, hay còn gọi là tế bào iPS. Khám phá này, đã đăng tải trên tạp chí Cell-2006, đã thật sự tạo nên một cuộc cách mạng trong nghiên cứu tế bào gốc. Mặc dù trong nghiên cứu này, Yamanaka vẫn chưa tạo được một cơ thể chuột hoàn chỉnh, nhưng đã thành công trong việc chuyển đổi tế bào trưởng thành thành tế bào gốc đa năng.

Vào tháng 11/2007, Yamanaka cùng các cộng sự làm việc tại đại học Kyoto, Nhật Bản, một lần nữa lại tạo nên một đợt sóng mới khi chuyển đổi thành công tế bào người trường thành thành tế bào iPS, tạo nên một hi vọng lớn lao trong điều trị thay thế mảnh ghép, và có thể xem là nhà tiên phong cho một lĩnh vực mới: y học tái tạo. Nhìn về tương lai, kết quả này tạo nên hi vọng cho những bệnh nhân cần cơ quan ghép, họ có thể sử dụng các cơ quan ghép phát triển từ tế bào iPS có nguồn gốc từ chính cơ thể mình. Không dừng lại ở đó, các nhà khoa học cũng có thể nghiên cứu tận gốc rễ các bệnh lý nhờ vào những nghiên cứu trên tế bào iPS thu được từ bệnh nhân và so sánh chúng với tế bào cá thể khỏe mạnh.

Gurdon và Yamanaka thật sự đã mở ra “một chân trời mới”, theo nhận xét của một thành viên trong hội đồng xét duyệt giải Nobel, Juleen Zierath, và họ hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng danh giá này.

John B. Gurdon sinh năm 1933 tại Dippenhall, Anh. Ông hoàn tất học vị tiến sĩ tại đại học Oxford năm 1960 và sau đó làm việc tại Viện Công nghệ California trước khi chuyển đến đại học Cambridge năm 1972 với cương vị giáo sư môn sinh học tế bào kiêm hiệu trưởng trường cao đẳng Magdalen.

Shinya Yamanaka, sinh năm 1962 tại Nhật Bản. Sau khi hoàn tất thạc sĩ đại học Kobe, ban đầu ông quyết định tiếp tục học về phẫu thuật chỉnh hình, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản. Yamanaka nhận được học vị tiến sĩ tại đại học Osaka năm 1993 và hiện đang là giáo sư tại đại học Kyoto, đồng thời cũng là hội viên Viện Gladstone, Sanfrancisco.

(Nguồn: tổng hợp)

BS Nguyễn An Nghĩa

Giảng viên Bộ môn Nhi – ĐHYD TP.HCM

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK