Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 05-10-2012 8:45am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

tiem_HCG Các nhà nghiên cứu cho biết: Nếu như sự hấp thu hCG vào huyết thanh không đầy đủ sau khi tiêm thuốc, thì việc tiêm lại lần thứ hai vào ngày hôm sau có thể cứu chu kỳ IVF.

 


Tiến sĩ Zev Rosenwaks từ trung tâm sức khỏe sinh sản Ronald O. Perelman và Claudia Cohen, New York phát biểu với Reuters Health: “Để tránh hội chứng nang trống, chúng tôi nhận thấy rằng đo nồng độ hCG vào ngày hôm sau rất quan trọng để đảm bảo rằng việc tiêm thuốc có hiệu quả. Nếu như nồng độ hCG không đủ thì có thể cứu chu kỳ đó bằng cách lặp lại việc tiêm thuốc.“

Tại trung tâm của họ, tiến sĩ Rosenwaks và cộng sự đánh giá sự hấp thu của hCG bằng cách đo nồng độ beta-hCG sau khi tiêm thuốc một ngày. Nếu nồng độ hCG âm tính vào buổi sáng sau khi tiêm thì họ sẽ tiêm lặp lại và hoãn lại việc chọc hút trứng 24 giờ sau.

Trong một bài đăng trực tuyến vào ngày 4 tháng 7 của tạp chí Fertility and Sterility, họ đã đề cập đến kinh nghiệm của mình về phương pháp này.

Chỉ có 44 (0,25%) của 17.298 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm thất bại khi tiêm hCG (nghĩa là nồng độ beta-hCG âm tính vào ngày trước chọc hút trứng). 41 trong số 44 người phụ nữ này đều được chọc hút và chuyển phôi sau đó.

Khi so sánh 41 người phụ nữ được tiêm hCG lặp lại với 41 người phụ nữ không cần tiêm, thì không có sự khác biệt về bất cứ điều nào sau đây: tuổi, số lần mang thai, số chu kỳ IVF đã làm trước đây, chỉ số khối cơ thể, nồng độ FSH vào ngày 3, số nang noãn thứ cấp đầu chu kỳ, liều đầu gonadotropins, tổng liều gonadotropins, nồng độ estradiol vào ngày khởi phát trưởng thành noãn, nồng độ beta-hCG huyết thanh trước khi chọc hút trứng, độ dày nội mạc tử cung, số trứng chọc hút được, số trứng trưởng thành, số hợp tử 2PN hoặc số phôi được chuyển.

Hơn nữa, tỉ lệ thụ tinh, làm tổ và thai lâm sàng không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa phụ nữ tiêm thuốc 2 lần và phụ nữ tiêm 1 lần. Ngoài ra, tỉ lệ sinh sống cũng tương đương nhau, 39,02% ở những người phụ nữ trong chu kỳ được tiêm lặp lại hCG và 46,34% ở những người tiêm 1 liều duy nhất (p=0,503).

Tỉ lệ sinh sống giữa phụ nữ tiêm lại lần thứ 2 không có sự khác biệt cho dù nồng độ estradiol tăng hay giảm vào ngày trước khi chọc hút trứng.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Chúng tôi đề xuất một biện pháp tiềm năng phòng ngừa được hội chứng nang trống bằng cách đánh giá nồng độ beta-hCG vào ngày sau khi khởi phát trưởng thành noãn, có thể phát hiện được những bệnh nhân cần được tiêm lại 1 liều hCG trước chọc hút và chu kỳ điều trị của họ được cứu.”

Họ nói thêm rằng: “Hiếm khi tiêm hCG thất bại trong chu kỳ IVF, nên các can thiệp như vậy chỉ có thể cải thiện một tỉ lệ thành công rất nhỏ trong tổng thể lâm sàng. Tuy nhiên, việc chú ý cẩn trọng từng chi tiết nhỏ có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân rất nhiều.”

Tiến sĩ Rosenwaks nói: “Bệnh nhân không phải chịu thêm chi phí, do điều trị đã được bảo hiểm chi trả trong chương trình của chúng tôi. Nhưng lợi ích thì rất lớn: nếu như hCG không đủ thì toàn bộ chu kỳ IVF của bệnh nhân bị thất bại.”

Ông cũng lưu ý rằng ở những nơi mà nồng độ beta-hCG huyết thanh không thể dễ dàng xác định được thì việc lấy nước tiểu thử thai có thể được sử dụng để nhận ra người nào tiêm thuốc thất bại.

Nguồn: http://bit.ly/O3o7bZ Fertil Steril 2012.

Bs. Nguyễn Thị Nhã Đan

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK