Theo kết quả của một nghiên cứu tiền cứu lớn, sử dụng cần sa và chỉ số khối cơ thể thấp (Body Mass Index – BMI) là những yếu tố nguy cơ liên quan với tăng nguy cơ sinh non.
Đặc biệt, sử dụng cần sa làm tăng gấp đôi nguy cơ sinh non.
"Về tetrahydrocannabinol (THC), thành phần hoạt chất trong cần sa, nghiên cứu này đưa ra một cảnh báo về việc thay đổi lối sống từng tháng của bạn trước khi bạn cố gắng mang thai", tác giả chính của nghiên cứu Gustaaf A. Dekker, MD, PhD, Đại học Adelaide, South Australia, nói với Hãng tin Medscape Medical.
Theo Tiến sĩ Dekker, đây là lần đầu tiên THC được biết có liên quan đến sinh non.
"Hầu hết các mối quan tâm về THC đến từ các tài liệu sức khỏe tâm thần, bởi vì đã có những bằng chứng về mối liên quan giữa THC và rối loạn tâm thần - chúng tôi đặt ra mối quan tâm về THC và não của thai nhi (bằng phép ngoại suy từ những dữ liệu sức khỏe tâm thần)", ông nói.
Nghiên cứu này được công bố trong số tháng 7 năm 2012 tạp chí PLoS One.
Những phát hiện hiện nay được bắt nguồn từ nghiên cứu tiền cứu sàng lọc các kết cục của thai kì (the Screening for Pregnancy Endpoints – SCOPE) ở phụ nữ "khỏe mạnh", chưa từng mang thai, được thiết kế để phát triển các xét nghiệm sàng lọc dự đoán tiền sản giật, cân nặng trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai và sinh non.
Việc theo dõi đã được hoàn thành trên 3.184 người tham gia nghiên cứu, tất cả đều bắt đầu nghiên cứu ở tuần 15 của thai kỳ. Các nhà nghiên cứu thu thập thông tin về tất cả các yếu tố nguy cơ lâm sàng liên quan đến sinh non. Sinh non được định nghĩa là sinh trước 37 tuần tuổi thai và được phân loại với màng ối còn nguyên hoặc vỡ màng ối.
Trong số những người tham gia, có 156 (4,9%) trường hợp bị sinh non, với khoảng 2/3 người có màng ối còn nguyên và 1/3 bị vỡ ối.
Nhiều yếu tố nguy cơ đối với từng loại sinh non đã được ghi nhận. Sinh non với màng ối còn nguyên thường gặp ở những trường hợp có tiền căn gia đình khỏe mạnh với trọng lượng trẻ nhẹ cân (tăng nguy cơ khoảng 6 lần). Ngoài ra, nguy cơ gia tăng gấp 2 lần đã được ghi nhận cho mỗi yếu tố sau đây: sử dụng cần sa trước khi mang thai, mẹ có tiền sử tiền sản giật, chảy máu âm đạo, và mẹ bị đái tháo đường type 1 hoặc 2.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy rằng các yếu tố nguy cơ cao nhất liên quan đến ối vỡ non dẫn đến sinh non bao gồm những điều sau đây:
- Tăng huyết áp nhẹ không điều trị (tăng nguy cơ 10 lần);
- Tiền căn gia đình mắc bệnh đái tháo đường thai kì tái phát (tăng nguy cơ gấp 8 lần);
- Được điều trị hỗ trợ sinh sản bằng hormon (tăng nguy cơ 4 lần);
- Có BMI nhỏ hơn 20 (nguy cơ tăng lên hơn gấp 2 lần).
Theo các nhà nghiên cứu, sự khác nhau của các yếu tố nguy cơ lâm sàng cho trẻ sinh non có và không có màng ối còn nguyên "chỉ ra các con đường sinh lý bệnh khác nhau là cơ sở của những khác biệt giữa các dạng sinh non".
Họ nói thêm rằng mặc dù các phân tích bao gồm hơn 3000 phụ nữ khỏe mạnh, nhưng xác định các yếu tố nguy cơ trong nghiên cứu này chỉ dựa trên 156 phụ nữ bị sinh non.
"Các nghiên cứu đoàn hệ lớn hơn cần được thiết lập để xác định các yếu tố nguy cơ sinh non rất sớm", họ kết luận.
Lê Thị Kiều Trang
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...