Tế bào gốc lấy từ dịch ối có thể được chuyển thành một trạng thái đa năng hơn giống như tế bào gốc từ phôi, điều này có thể tạo ra thêm một lựa chọn trong điều trị y học, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Các nhà nghiên cứu Anh đã tái lập trình thành công những tế bào dịch ối mà không cần đưa thêm gen vào tế bào.
Điều này mở ra khả năng trữ những tế bào gốc từ dịch ối hiến tặng vào ngân hàng để sử dụng trong điều trị và nghiên cứu y học. Biện pháp này sẽ ít rắc rối hơn so với sử dụng các tế bào gốc từ phôi.
Trong nhiều năm nay, các nhà khoa học ra sức tìm kiếm các nguồn tế bào thay thế tế bào gốc từ phôi, một phần do vấn đề y đức cũng như do khả năng hiến tặng phôi còn hạn chế.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Therapy này, các nhà khoa học thuộc trường Cao Đẳng Imperial ở Luân Đôn và Viện Sức Khỏe Trẻ Em thuộc Đại học Luân Đôn cho rằng các tế bào gốc từ dịch ối là giai đoạn trung gian giữa các tế bào gốc trưởng thành và các tế bào gốc từ phôi.
“Chúng có khả năng phát triển thành một số loại tế bào khác nhau, nhưng không phải là tế bào đa năng,” Pascale Guillot thuộc khoa Ngoại Ung Bướu trường Imperial nói.
Nhưng, theo ông, nghiên cứu trên cho thấy những tế bào này có thể trở về dạng tế bào hoàn toàn linh động, tức tế bào đa năng, bằng cách thêm một chất hóa học làm thay đổi cấu hình DNA.
Nhóm nghiên cứu của Guillot đã sử dụng tế bào gốc từ dịch ối được hiến từ những thai phụ được chọc ối trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kì.
Các tế bào được nuôi trong một hỗn hợp protein ở phòng thí nghiệm và tái lập trình thành một trạng thái nguyên thủy hơn bằng cách thêm acid valproic.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành một loạt các thử nghiệm và nhận thấy các tế bào sau tái lập trình trở nên đa năng, có những đặc tính rất giống các tế bào gốc từ phôi.
Họ cũng nhận thấy ngay cả sau khi phát triển trong môi trường cấy một thời gian, các tế bào tái lập trình vẫn có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào chức năng khác nhau, bao gồm cả tế bào gan, xương và tế bào thần kinh.
Tính đa năng đó vẫn được duy trì ngay cả sau khi làm lạnh và rã đông.
Paolo De Coppi, đồng trưởng nhóm nghiên cứu với Guillot, tin chắc các tế bào dịch ối là một nguồn tế bào gốc tốt.
Theo một nghiên cứu trước đây, người ta có thể biến những tế bào trưởng thành thành những tế bào vạn năng bằng các đưa vào thêm một số gen, thường là sử dụng virus.
Tuy nhiên, cách tái lập trình như vậy đem lại hiệu quả thấp và có nguy cơ làm “gãy” các DNA.
Vì vậy, theo De Coppi, “việc tạo ra những tế bào vạn năng mà không cần thao tác trên gen sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn và dễ sử dụng hơn trong điều trị”.
Nguồn: http://bit.ly/LiWwEW Molecular Therapy 2012
BS. Nguyễn Thị Ngọc Nhân
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...