Đánh giá lại các nghiên cứu trước đây dưới một góc nhìn mới, các nhà nghiên cứu nhận thấy những trẻ em sống chung với người hút thuốc lá có nhiều nguy cơ dẫn đến thở khò khè hoặc mắc bệnh hen suyễn, cung cấp thêm bằng chứng cho mối liên hệ giữa hút thuốc thụ động và các vấn đề hô hấp ở trẻ. Ảnh hưởng lớn nhất được quan sát thấy trên trẻ sơ sinh và những trẻ mới biết đi là các triệu chứng khò khè và hen suyễn, khi người mẹ hút thuốc lá trong thời gian mang thai hoặc khi mới sinh trẻ.
Mặc dù không đủ chứng cứ để khẳng định hút thuốc lá thụ động gây ra hen suyễn ở trẻ, nhưng theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện trên giúp bổ sung vào giả thuyết của các nghiên cứu khác rằng phơi nhiễm với khói thuốc có thể khởi phát các bệnh hô hấp ở trẻ.
Tiến sĩ Harold J. Farber, tác giả nghiên cứu về phơi nhiễm hút thuốc lá và hen suyễn tại Đại học Y Baylor và Bệnh viện Nhi Texas ở Houston, cho rằng: “Một chứng minh thực tế rõ ràng ở đây là nghiên cứu và các dữ liệu thu thập được cho thấy ảnh hưởng của tiếp xúc khói thuốc và bệnh suyễn ở trẻ em là rất mạnh mẽ”. Ông cho biết tiếp xúc với khói thuốc khi còn trong bụng mẹ có thể làm cho phổi của trẻ yếu đi, và thuốc điều trị hen trên những trẻ này khó phát huy tác dụng. “Loại bỏ sự tiếp xúc của trẻ em với khói thuốc lá là một ưu tiên quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.”
Các tác giả ở Anh đã phân tích hơn 70 nghiên cứu được công bố từ năm 1997 đến năm 2011, ghi nhận việc hút thuốc của cha mẹ cũng như các thành viên khác trong gia đình và sau đó họ theo dõi những trẻ này về sau có được chẩn đoán thở khò khè hoặc hen suyễn hay không.
Những nghiên cứu ở các bà mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai cho thấy, 28-52% trẻ sinh ra có thể bị thở khò khè, tùy thuộc vào độ tuổi được đánh giá. Triệu chứng hen có thể thấy rõ nhất trên những trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. 85% những trẻ này có khả năng mắc bệnh hen suyễn do tiếp xúc với khói thuốc khi còn trong bụng mẹ.
Khi các bà mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình hút thuốc, hơn 70% trẻ có nguy cơ thở khò khè cho đến khi lên 4 tuổi, tuy nhiên mối liên quan đầy đủ với bệnh hen suyễn vẫn chưa rõ ràng. Ảnh hưởng của việc mẹ hút thuốc lá đến trẻ ít nhất ở giai đoạn trẻ từ 5 tuổi đến 18 tuổi.
Dữ liệu cho thấy sự ảnh hưởng của việc hút thuốc lá của người bố đến việc thở khò khè hoặc bệnh hen suyễn của trẻ vẫn còn khá hạn chế, theo phát hiện được công bố trên tờ Pediatrics.
Tiến sĩ Tricia McKeever từ Đại học Nottingham và các đồng nghiệp của bà cho biết, phát hiện của họ cho thấy khói thuốc lá có ảnh hưởng đến thở khò khè và bệnh hen suyễn nhiều hơn so với các nhà nghiên cứu trước đó đã đánh giá.
“Trước đây, khói thuốc đã được biết đến là một yếu tố khởi phát bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh hen suyễn. Nghiên cứu này cho thấy rằng hút thuốc thụ động có thể làm phát triển bệnh và khởi phát cơn hen cấp ở những bệnh nhân hen suyễn", theo Geoffrey Fong, một nhà nghiên cứu thuốc lá từ trường Đại học Waterloo ở Canada.
Nghiên cứu này là một lời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của luật cấm hút thuốc nơi công cộng và phòng dành riêng cho hút thuốc để bảo vệ người không hút thuốc lá, đặc biệt là trẻ em", Fong phát biểu với Reuters Heath.
BS Nguyễn Thị Hà
Nguồn: bit.ly/GHdkT0 Pediatrics, online 19 tháng 3 năm 2012.
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...