Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 20-04-2012 1:44am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

tang can_2

Theo một nghiên cứu được công bố trực tuyến vào ngày 17/4 trên tờ Journal of Maternal-Fetal and Neonatal Medicine, các bà mẹ béo phì tăng cân quá mức trong thai kì có nguy cơ sinh con to cao gấp 7 lần. Hơn thế nữa, ngay cả khi chỉ số khối (BMI) của mẹ trong thai kì bình thường, số cân nặng tăng trong thai kì cao quá mức cũng làm tăng nguy cơ sinh con to.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Zachary M. Ferraro thuộc nhóm nghiên cứu Healthy Active Living and Obesity, bệnh viện Nhi của Viện Nghiên cứu Eastern Ontario, Ottawa, Canada, và cộng sự, cho thấy rằng tình trạng thừa cân và béo phì gắn liền với việc tăng nguy cơ có con to so với tuổi thai - một yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì của trẻ trong tương lai. Nguy cơ trẻ to so với tuổi thai tăng lên rõ rệt nếu một bà mẹ thừa cân lại tăng cân thêm trong thai kì, theo khuyến cáo của Viện Y khoa (Institute of Medicin, IOM).

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 4321 cặp mẹ-con được lựa chọn từ năm 2002 đến năm 2009 ở Đoàn hệ Sinh Ottawa và Kingston. Mục tiêu của họ là xác định cân nặng của mẹ và việc tăng cân trong thai kì tác động như thế nào đến khả năng sinh con nặng trên 4000g, tức nằm trong bách phân vị thứ 90 của cân nặng trẻ sơ sinh.

Những bà mẹ có BMI quá cân trước thai kì – 25 đến 29.9 kg/m2 – có nguy cơ sinh con to so với tuổi thai cao hơn gần 2 lần (OR=1.99; CI=95%, 1.17 – 3.37) so với các bà mẹ có cân nặng bình thường. Với những phụ nữ béo phì, với BMI 30 kg/m2 hoặc hơn, OR là 2.64 (CI 95%, 1.59 – 4.39).

Nếu số cân tăng thêm trong thai kì của mẹ vượt quá tiêu chuẩn theo hướng dẫn của IOM, thì dù cân nặng của mẹ trong thai kì là bao nhiêu, nguy cơ có con to so với tuổi thai vẫn tăng lên (OR 2.86; CI 95%, 2.09 – 3.92) (sau khi điều chỉnh BMI thai kì, tuổi, tình trạng hút thuốc, và chiều cao của mẹ). Vấn đề trở nên phức tạp hơn nếu một người mẹ đã có tình trạng thừa cân hoặc béo phì: OR là 3.59 đối với phụ nữ thừa cân (CI 95%, 2.60 – 4.95) và 6.71 đối với phụ nữ béo phì (CI 95%, 4.83 – 9.31).

“Tình trạng béo phì có thể lặp lại giữa các thế hệ,” Kristi Adamo, MSc, PhD, đồng tác giả của báo cáo này, nói trong một bản tin từ Đại học Ottawa. Bác sĩ Adamo cũng là người đồng sáng lập Nhóm nghiên cứu Healthy Active Living and Obesity ở Bệnh viện Nhi của Viện Nghiên cứu Eastern Ontario.

“Cân nặng lúc sinh trung bình có thể cho biết về cân nặng một đứa trẻ trong suốt thời kì trước khi đi học và ngay cả trong tuổi thiếu niên. Điều quan trọng là người mẹ phải hiểu rằng lối sống và cách ăn uống lành mạnh trong suốt thai kì sẽ ảnh hưởng lâu dài đến con của mình chứ không chỉ trong 9 tháng thai kì,” bà nói tiếp.

Các kết quả sau khi điều chỉnh cũng cho thấy các bà mẹ hút thuốc ít có nguy cơ sinh con to so với tuổi thai hơn so với các bà mẹ không hút thuốc (OR 0.53 CI 0.35 – 0.79). Số lần sinh cũng đi kèm với tăng nguy cơ sinh con to so với tuổi thai (OR 1.49; CI 95%, 1.22 – 1.82).

Khoảng cân nặng tăng lên trong suốt thai kì chấp nhận được theo khuyến cáo của IOM thay đổi tùy thuộc vào cân nặng của bà mẹ ở thời điểm mang thai. Những bà mẹ thiếu cân, với BMI dưới 18.5 kg/m2, nên tăng từ 12.5 đến 18 kg. Các bà mẹ có cân nặng bình thường – BMI từ 18.5 đến 24.9 kg/m2 – nên tăng từ 11.5 đến 16 kg. Các bà mẹ thừa cân được khuyên tăng từ 7 đến 11.5 kg, và các bà mẹ béo phì, 5 đến 9 kg.

Trong nghiên cứu, chỉ có 29,3% các bà mẹ có số cân nặng tăng trong thai kỳ nằm trong khoảng khuyến cáo của IOM. 57.5% khác có số cân tăng vượt quá khuyến cáo. Trước thai kì, 23.7% phụ nữ trong nghiên cứu là thừa cân, và 16.2% khác là béo phì.

“Nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn các phụ nữ trong dân số đoàn hệ sinh của chúng tôi bước vào thai kì với một cân nặng không bình thường và tăng cân quá nhiều so với các khuyến cáo” các tác giả ghi nhận. “Ở bất kì cân nặng nào, sự tăng cân quá mức trong thai kì có hậu quả rõ ràng trên khả năng trẻ sinh ra to so với tuổi thai, và nghiên cứu này đã chỉ ra rằng cân nặng lúc sinh góp phần vào sự phát triển tình trạng béo phì về sau của trẻ.”

Nguồn: J Matern Fetal Neonatal Med. 2012;25:538-542.

BS Nguyễn Thị Ngọc Nhân

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Giảm đau nhờ Vitamin D - Ngày đăng: 22-03-2012
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK