Kết quả một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trong vòng 96 tháng đã cho thấy việc sử dụng kháng sinh dự phòng 1 giờ trước khi mổ lấy thai thay vì sau khi kẹp rốn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ 48%.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Nupur D. Kittur, PhD, MPH, làm việc tại Trung tâm y khoa và Trung tâm Sản phụ khoa của trường Đại học Y Khoa Washington và bệnh viện Barnes-Jewish ở St. Louis, Missouri và cộng sự. Nghiên cứu đã phân tích dựa trên 8668 phụ nữ được sanh mổ từ tháng 1 năm 2003 đến tháng 12 năm 2010 tại một bệnh viện chuyên khoa Hoa Kỳ vừa được công bố trên số tháng 8 của tạp chí Obstetrics & Gynecology.
Trước đây, kháng sinh dự phòng thường được sử dụng sau khi kẹp rốn để tránh che lấp các triệu chứng của nhiễm trùng sơ sinh ở bé. Nhưng theo tác giả nghiên cứu giải thích, việc sử dụng kháng sinh dự phòng sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ tốt nhất khi nồng độ kháng sinh trong mô đạt mức độ cần thiết trước khi mổ.
Trong quá trình nghiên cứu, các phương pháp kiểm soát nhiễm trùng hoặc là được thay đổi hoặc là được bổ sung, và các tác giả nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả của chúng dựa trên tỷ lệ nhiễm trùng. Từ tháng 1 năm 2004, bệnh viện đã đưa ra chính sách chủ động dùng kháng sinh dự phòng trước mổ 60 phút thay vì sau khi kẹp rốn và bác sỹ gây mê là người thực hiện việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
Thêm vào đó, từ tháng 2 năm 2004, quy định mới về việc cấm nhân viên phòng mổ sử dụng móng tay giả được thực hiện. Từ tháng 2 năm 2007, quy trình về đảm bảo môi trường phòng mổ sạch và vô trùng cũng được thực hiện.
Trong khi đó, vào tháng 6 năm 2006, khoa sản của một bệnh viện khác cùng thành phố ngừng hoạt động làm cho bệnh viện đang tiến hành nghiên cứu trở thành bệnh viện sản duy nhất trong thành phố St. Louis.
Bác sỹ Kittur và cộng sự thực hiện việc phân tích theo từng thời điểm thời gian nhằm xem xét những tác động của những thay đổi khác đến tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ.
Trong số 8668 phụ nữ được sanh mổ, 303 (3,5%; 95% CI 3,1% - 3,8%) người có nhiễm trùng vết mổ.
Việc dùng kháng sinh dự phòng trước mổ cho thấy hiệu quả giảm 48% trường hợp nhiễm trùng vết mổ (Δ = −5.4 trường hợp nhiễm trùng vết mổ/ 100 trường hợp sanh mổ; P<0.001).
Trong số 8008 phụ nữ trong nghiên cứu có dữ liệu về BMI (Body mass index – Chỉ số khối cơ thể), có 35,7% trường hợp có BMI ≥ 35 kg/m2, BMI trung bình là 32,7 kg/m2 (13,4 – 103,0 kg/m2).
Trong một phân tích đơn biến, các nhà nghiên cứu tìm thấy sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tình trạng nhiễm trùng vết mổ và chủng tộc da trắng, từ 35 tuổi trở lên, BMI ≥ 35 kg/m2, chiến lược cho kháng sinh dự phòng và quy định cấm móng tay giả.
Tuy nhiên, một phân tích đa biến đã cho thấy chiến lược cho kháng sinh dự phòng là yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê duy nhất đối với tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ sau sinh. Quy định cấm dùng móng tay giả và việc thực hiện quy trình phòng mổ sạch và vô trùng không có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ.
Tác giả tổng kết: “Nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ cho việc sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ đối với những trường hợp mổ lấy thai. Vẫn cần thêm nghiên cứu để khẳng định thêm về vấn đề này và về thời điểm tốt nhất để cho kháng sinh dự phòng cho cả những trường hợp mổ lấy thai chương trình và cấp cứu.”
Năm 2011, Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ cũng đã đưa ra một khuyến cáo tương tự trong thực hành lâm sàng về việc nên sử dụng kháng sinh trước khi mổ 60 phút.
Bs. Lê Văn Khánh
Nguồn: Obstet Gynecol. 2012;120:246-251.
http://www.medscape.com/viewarticle/768775
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...