Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 01-04-2024 9:21pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Minh Phượng, IVFMD Tân Bình

Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic sperm injection – ICSI) đã trở thành một “cuộc cách mạng” trong điều trị vô sinh ở nam giới. Sau khi được giới thiệu vào năm 1992, rất nhiều cặp vợ chồng đã điều trị thành công trên toàn thế giới. Nhìn chung, phương pháp ICSI cho tỷ lệ thụ tinh cao, tuy nhiên vẫn có khoảng 1-3% chu kỳ gặp tình trạng thất bại thụ tinh hoàn toàn (total fertilization failure – TFF). Sự thiếu hụt nhân tố hoạt hoá noãn (Oocyte activation deficiency – OAD) được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng TFF sau ICSI. Sự kích hoạt noãn tiếp tục giảm phân sau khi tinh trùng xâm nhập nhờ phospholipase C zeta (PLCZ), hiện diện tại vùng vỏ quanh hạt nhân của tinh trùng. Sau khi được giải phóng vào bào tương noãn, PLCZ thủy phân phosphatidylinositol 4,5-biphospate (PIP2) thành diacylglycerol (DAG) và inositol trisphosphate (IP3), liên kết với thụ thể IP3 trên mạng lưới nội chất (endoplasmic reticulum – ER), dẫn đến việc giải phóng các dao động canxi (Ca2+). Việc xuất hiện các dao động sóng Ca2+ sẽ giúp giải nén bộ nhiễm sắc thể tinh trùng, tái giảm phân noãn, hình thành tiền nhân, hoạt hoá bộ gen phôi và chỉ chấm dứt khi quá trình thụ tinh hoàn tất. Do đó, sự giải phóng Ca2+ bất thường có thể liên quan đến OAD ở nam giới.
 
Để hỗ trợ trong các trường hợp TFF, Tesarik và cộng sự (1995) đã đề xuất sử dụng hoạt hoá noãn nhân tạo (assisted oocyte activation – AOA) sau ICSI, dao động sóng Ca2+ được tạo ra một cách nhân tạo nhờ Ca2+ ionophores. Kết quả cho thấy noãn được hoạt hoá và cho tỷ lệ thụ tinh bình thường. Kể từ đó, AOA trở thành một lựa chọn đầy hứa hẹn cho nhóm bệnh nhân TFF. Ca2+ ionophores hoạt động bằng cách tăng tính thấm màng noãn, cho phép sự xâm nhập của các ion Ca2+ từ bên ngoài vào. Tế bào noãn khi được hoạt hoá ionophores Ca2+ không chỉ làm tăng Ca2+ bên trong noãn bào từ môi trường nuôi cấy mà còn giải phóng Ca2+ từ ER. Các ionophore Ca2+ được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm ionomycin và A23187 (calcimycin). Cả hai đều là kháng sinh cacboxylic được tổng hợp bởi Streptomyces Conglobatus và Streptomyces Chartreusensis và được chứng minh giúp cải thiện khả năng thụ tinh ở những bệnh nhân TFF sau ICSI, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả để đạt được sự phát triển phôi thai bình thường và sinh sống. Tuy nhiên, tính không đồng nhất của quy trình AOA (loại Ca2+ ionophores, nồng độ sử dụng, thời gian, …)  vẫn là một mối quan tâm hàng đầu. Hiện tại không có hướng dẫn lâm sàng hoặc tiêu chuẩn nào liên quan đến việc sử dụng ionophores cho AOA.
 
Theo các đánh giá, ionomycin đặc hiệu hơn so với A23187, khả năng hoạt hoá noãn và giúp giải phóng canxi cao hơn. Sự phức tạp của các cơ chế điều chỉnh mức độ Ca2+ và các mô hình dao động Ca2+ được tạo ra bởi ionophores không phản ánh quá trình hoạt hoá noãn sinh lý. Do đó, việc đánh giá mối liên hệ giữa AOA và các thông số hình thái động học của phôi có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về sự an toàn của quy trình này. Trong nghiên cứu này, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là đánh giá khả năng hoạt hoá, tiềm năng phát triển, động học phát triển khi sử dụng ionomycin và A23187 trong quy trình AOA trên noãn người trinh sản.
 
Đoàn hệ hồi cứu đơn trung tâm này được thực hiện trên 81 noãn MII từ 66 chu kỳ noãn hiến tặng, trong đó 42 noãn được hoạt hoá bằng A23187 (GM508 CultActive, Gynemed) và 39 noãn hoạt hoá bằng ionomycin. Mô hình noãn trinh sản được chuẩn bị bằng cách, tiêm một vi cầu latex có kích thước bằng đầu tinh trùng (LM; accu-beads+TM, Hamilton Thorne I.NC. USA). Các thông số động học: thời gian xuất hiện tiền nhân (tPNa), thời gian tiền nhân biến mất (tPNf), thời điểm phôi 2 tế bào đến 8 tế bào (t2-t8), thời gian bắt đầu có khoang phôi (tSB), phôi nang nở rộng hoàn toàn mà màng trong suốt chưa bị mỏng (tB) được so sánh giữa hai nhóm. Nhóm đối chứng là 39 hợp tử 2PN từ chu kỳ ICSI tiêu chuẩn.
 
Một số kết quả thu nhận được:
  • Ionomycin mang lại tỷ lệ hoạt hoá noãn cao hơn so với A23187 (38,5% so với 23,8%, p=0,15). Không có phôi nang nào phát triển từ các hợp tử được hoạt hoá nhờ A23187.
  • Động học hình thái: tPNa và tPNf kéo dài hơn đáng kể trong nhóm được hoạt hoá bởi A23187 (11,84 so với 5,31, p=0,002 và 50,15 so với 29,69, p=0,005). Khi so sánh với nhóm đối chứng, t2 ở nhóm A23187 lâu hơn khi so sánh với nhóm phôi đối chứng. Sự phát triển hình thái động học của các noãn được hoạt hóa bởi ionomycin tương tự với phôi đối chứng.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy Ionomycin cho hiệu quả hoạt hoá noãn cao hơn và ít ảnh hưởng động học phát triển của phôi trong mô hình noãn trinh sản hơn khi so sánh với A23187. Mặc dù cỡ mẫu hạn chế nhưng có thể đưa đến một số kết quả để các trung tâm hỗ trợ sinh sản đưa ra lựa chọn về calcium ionophore trong thực hành lâm sàng.
 
Tài liệu tham khảo: Quintana-Vehí, A., Martínez, M., Zamora, M. J., Rodríguez, A., Vassena, R., Miguel-Escalada, I., & Popovic, M. (2023). Significant differences in efficiency between two commonly used ionophore solutions for assisted oocyte activation (AOA): a prospective comparison of ionomycin and A23187. Journal of Assisted Reproduction and Genetics, 40(7), 1661-1668.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK