Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 07-03-2024 8:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện – IVFMD Phú Nhuận 
 
Với những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), chiến lược chuyển đơn phôi-(SET) đã được thúc đẩy ở nhiều quốc gia với mục tiêu là sinh ra một em bé khỏe mạnh. Theo một nghiên cứu, SET có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ đa thai (MP) từ 26−29% xuống 2%, giảm nguy cơ sẩy thai, sinh non, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở mẹ và con. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ trẻ sinh sống ở chu kỳ SET là thấp hơn so với chuyển hai phôi (DET). Theo các đánh giá hệ thống bao gồm năm thử nghiệm ngẫu nhiên về kết quả mang thai của SET và DET trong chu kỳ IVF, tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi chu kỳ DET cao hơn đáng kể so với SET (OR 2,10; 95% CI: 1,65 đến 2,66), với tỷ lệ MP thấp hơn đáng kể ở những phụ nữ thực hiện SET so với DET (OR 0,04, 95% CI: 0,01- 0,11). Tuy nhiên, cũng có dữ liệu cho thấy việc sử dụng SET không dẫn đến giảm tỷ lệ sinh sống (LBR) trong mỗi chu kỳ. Có ý kiến ​​cho rằng SET có ít tác động đến kết quả tổng thể khi nó được áp dụng ở những phụ nữ có tiên lượng tốt hơn, chẳng hạn như những người <35 tuổi hoặc được chuyển phôi nang chất lượng tốt. Do đó, chiến lược chuyển phôi phải được cá nhân hóa, không chỉ liên quan đến LBR mà còn với tỷ lệ sinh sống tích lũy (CLBR). Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành phân tích hồi cứu với cỡ mẫu lớn hơn để điều tra về cả LBR và tỷ lệ đa thai (MBR) dưới sự kết hợp của một số thông số (DET/SET + chất lượng phôi ở các giai đoạn khác nhau + tuổi của phụ nữ), từ đó cung cấp thông tin chính xác và có giá trị hơn để phát triển biện pháp chuyển phôi có hiệu quả hơn về mặt chi phí.
 
Phương pháp:
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 3 năm 2020 tại trung tâm y tế sinh sản của Bệnh viện Ruijin liên kết với Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải. Nghiên cứu phân tích dữ liệu 10.060 chu kỳ FET của 7631 bệnh nhân. Các bệnh nhân được phân nhóm theo số lượng và loại phôi được chuyển, việc phân loại phôi phân chia dựa trên 3 tiêu chí: (A) Số phôi bào (BL): 4 BL=1 điểm, 5 BL=2 điểm, 6–7 BL=3 điểm, và 8–10 BL=4 điểm; (B) Độ phân mảnh (FR): <5%=4 điểm, 5–10%=3 điểm, 11–25%=2 điểm, 26–50%=1 điểm và > 50%=0 điểm; và (C) Tính đối xứng (SY): đối xứng = 1 điểm và không đối xứng= 0 điểm. Điểm số phân loại phôi như sau: phôi chất lượng kém (PQE)= 5 điểm; phôi chất lượng trung bình (AQE)= 6–7 điểm; và phôi chất lượng tốt (GQE) ≥8 điểm. Việc đánh giá phôi nang dựa trên phân loại của Gardner: AA, AB, BA và BB được xác định là phôi nang chất lượng tốt (GQB), còn BC và CB được xác định là phôi nang chất lượng khá (FQB). Các nhóm nghiên cứu được chia như sau:


Bảng 1. Phân nhóm bệnh nhân dựa trên số lượng và loại phôi được chuyển


Kết cục chính của nghiên cứu này xác định là tỷ lệ sinh sống (LBR), tỷ lệ đa thai (MBR). Trẻ sinh sống được định nghĩa là có ít nhất một em bé được mang thai >28 tuần.
 
Kết quả:
Dữ liệu trên 10.060 chu kỳ FET bao gồm 6.408 chu kỳ chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia và 3.652 chu kỳ chuyển phôi nang. Chỉ định phổ biến nhất cho thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là bất thường yếu tố ống dẫn trứng (44,24%). Tỷ lệ vô sinh nguyên phát là 54,9% và chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) dao động từ 0,32 đến 12,75 ng/ml và giảm dần khi tuổi càng cao.
So sánh LBR và MBR giữa các chu kì cho thấy cho thấy có sự khác biệt đáng kể (Bảng 4). về LBR và MBR trong tất cả các chu kỳ chuyển phôi phân chia và các chu kỳ chuyển đơn phôi nang. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể nào được quan sát thấy trong chu kỳ chuyển hai phôi.


Bảng 4 Tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ sinh đa thai của các nhóm chuyển phôi khác nhau.
 
So sánh LBR và MBR dựa trên nhóm chuyển phôi và tuổi cho thấy LBR và MBR giảm khi tuổi mẹ tăng lên. LBR và MBR cao nhất lần lượt là 64,7% và 54,8%, cả hai đều được ghi nhận ở phụ nữ <30 tuổi được chuyển một phôi nang chất lượng tốt + một phôi nang chất lượng kém. Đối với những người ≥40 tuổi, LBR cao nhất là 35,3% ở nhóm chuyển một phôi nang chất lượng tốt và 25% ở nhóm chuyển hai phôi phân chia chất lượng tốt.
 
So sánh bội số với hiệu chỉnh Bonferroni đã được thực hiện và các nhóm liên quan đến một số lượng rất nhỏ các trường hợp cần phân tích (B3, C3 và E3) đã bị loại trừ. Đối với phụ nữ <30 tuổi, nhóm chuyển hai AQE và AQE+PQE cho thấy MBR tương tự nhau, trong khi nhóm chuyển hai AQE có LBR cao hơn đáng kể. Ở phụ nữ ở độ tuổi 31−35, nhóm chuyển hai GQE và GQE+AQE có LBR tương tự nhau, với MBR cao hơn được ghi nhận ở nhóm chuyển hai GQE. Ở phụ nữ ở độ tuổi 36−39, nhóm chuyển hai GQE có LBR tương tự nhưng MBR cao hơn so với nhóm chuyển hai AQE hoặc AQE+PQE. Trong chu kỳ chuyển phôi nang, chuyển GQB+PQB (E5) có LBR tương tự như SET-GQB chuyển (E1), không phân biệt tuổi tác. Khi so sánh SET-PQB (E2) và nhóm chuyển hai PQB (E4), nhóm DET có LBR cao hơn ở phụ nữ <35 tuổi nhưng không cao hơn ở phụ nữ >36 tuổi. Ở phụ nữ >40 tuổi, không có sự khác biệt đáng kể nào được ghi nhận về MBR hoặc LBR giữa một trong hai nhóm, bất kể là chuyển phôi phân chia hay chuyển phôi nang.
 
Phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy rằng việc chuyển hai phôi GQE là một yếu tố dự báo độc lập cho tình trạng đa thai (MB) ở phụ nữ <30 tuổi và những người ở độ tuổi 36–39 [<30 tuổi: aOR=1,54 (95% CI:1,14-2,06, p<0,01); 36−39 tuổi: aOR=1,84 (95% CI:1,0−3,4, p<0,01)]. Việc chuyển hai phôi PQB có liên quan tới MB ở phụ nữ <40 tuổi, có ý nghĩa thống kê (p<0,01). Ngoài ra, đối với phụ nữ <36 tuổi, việc chuyển một phôi GQB + PQB là một yếu tố dự báo độc lập cho tình trạng đa thai (<30 tuổi: aOR=2,46 (95% CI: 1,45−4,18, p<0,01); 31–35 tuổi: aOR =4,45 (95% CI: 1,97−10,06, p<0,01)].
 
Kết luận:
Dựa trên bằng chứng hiện tại, SET nên được lựa chọn cho việc chuyển phôi nang chất lượng cao ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Khi có phôi phân chia chất lượng tốt, việc lựa chọn SET hoặc DET với GQE hoặc AQE tùy thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ. Đối với phụ nữ lớn tuổi ≥40 tuổi, nếu không có GQB, nên sử dụng DET với phôi có chất lượng càng cao càng tốt. Vì dữ liệu của nghiên cứu này là từ các chu kỳ FET nên việc xác thực nó trong các chu kỳ chuyển phôi tươi cần nhiều bằng chứng hơn. Nhìn chung, việc lựa chọn chuyển phôi phải do bệnh nhân và bác sĩ cùng thực hiện dựa trên các biện pháp chuyển phôi tùy thuộc vào từng cá nhân, cần được làm rõ bằng các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng hoặc các nghiên cứu đoàn hệ.

Nguồn: Wu X, Zhou W-j, Xu B-f, Chen Q, Xia L, Zhao S, Xu H-h, Zhang A-j and Niu Z-h (2023) Association between transferred embryos and multiple pregnancy/live birth rate in frozen embryo transfer cycles: A retrospective study. Front. Endocrinol. 13:1073164.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK