Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-01-2016 9:13am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Bs Lê Văn Khánh – BV Mỹ Đức

Kết quả của nghiên cứu phân tích từ dữ liệu của 15.000 phụ nữ tham gia nghiên cứu Nurses' Health Study cho thấy những phụ nữ ăn từ 5 phần khoai tây trở lên trong 1 tuần trước khi mang thai sẽ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ cao hơn nhóm ăn ít khoai tây hơn. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy nếu thay thế ăn khoai tây bằng các loại rau củ khác như đậu hoặc ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ này.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Dr Cuilin Zhang, nghiên cứu viên cao cấp trong ngành dịch tể học của Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ, và nhóm cộng sự. Nhóm tác giả vừa công bố nghiên cứu ngày 12 tháng 1 năm 2016 trên tạp chí BMJ.


Hiện tại, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc phân loại khoai tây thuộc nhóm thức ăn nào. Theo Hướng dẫn chế độ ăn mới nhất của Hoa Kỳ thì khoai tây được phân vào nhóm rau, tuy nhiên Hướng dẫn của Anh Quốc lại phân khoai tây vào nhóm thức ăn tinh bột. Trong các hướng dẫn đó, khoai tây đều được xem là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe do trong khoai tây có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, Kali, chất xơ và một số loại protein. Bên cạnh đó, tác hại của việc sử dụng lượng nhiều khoai tây cũng đã được nhắc đến trong nghiên cứu Nurses' Health Study. Nghiên cứu này đã ghi nhận việc sử dụng nhiều khoai tây sẽ làm tăng nguy cơ bị ĐTĐ type II và nguy cơ này đặc biệt tăng cao nếu khoai tây được sử dụng ở dạng khoai tây chiên.

Giả thuyết cho vấn đề này có thể do khoai tây có một lượng lớn tinh bột và tinh bột trong khoai tây được hấp thu nhanh, gây nên sự gia tăng nhanh chóng đường huyết.
ĐTĐ thai kỳ là một bệnh lý làm tăng nhiều biến chứng trong thai kỳ cho cả mẹ và bé và nó cũng làm tăng nguy cơ bị ĐTĐ type 2 cho người mẹ sau này. Do đó, nhóm nghiên cứu thực hiện phân tích nhằm tìm ra chế độ ăn phù hợp cho phụ nữ nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh lý này.


Đây là một phân tích dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu Nurses' Health Study được tiến hành trên 15,632 phụ nữ từ năm 1991 đến năm 2001. Trên 90% đối tượng của nghiên cứu là người da trắng không có tiền sử ĐTĐ thai kỳ hặc các bệnh lý mạn tính như ĐTĐ type 2, bệnh tim mạch hay ung thư trước khi mang thai. Sau đó, các nhà nghiên cứu thu thập dữ kiện về chế độ ăn của bệnh nhân trong năm trước khi mang thai dựa trên việc trả lời bảng câu hỏi, sau đó các nhà nghiên cứu tính ra tổng lượng khoai tây ăn vào từ những thực phẩm được chế biến từ khoai tây như nướng, luộc, khoai tây nghiền, khoai tây chiên. Một phần khoai tây được tính tương đương 1 củ khoai nướng hoặc luộc, hoặc 237 ml (tương đương 1 chén) khoai tây nghiền, hoặc 113 g khoai tây chiên. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đánh giá chế độ ăn của bệnh nhân để khảo sát những yếu tố có liên quan đến bệnh lý ĐTĐ như lượng nước uống có đường, natri, nước uống có cồn và những loại thức ăn có liên quan khác.

Trong thời gian nghiên cứu, có tổng cộng 854 phụ nữ mắc phải tình trạng ĐTĐ thai kỳ trong tổng số 21.693 thai kỳ đơn thai. Kết quả của nghiên cứu được hiệu chỉnh với các yếu tố nguy cơ ĐTĐ như tuổi, chế độ ăn, chế độ tập thể dục, chỉ số khối cơ thể (BMI) và tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ. Nguy cơ tương đối của bệnh lý ĐTĐ thai kỳ ở các nhóm đối tượng sử dụng 1 phần, 2 đến 4 phần, từ 5 phần khoai tây trở lên so với nhóm sử dụng ít hơn 1 phần khoai tây 1 tuần lần lượt là 1,2, 1,27, 1,5 (xu hướng p=0,006).
Khi phân tích những cách chế biến khoai tây khác nhau, sử dụng khoai tây nướng, luộc hay nghiền đều làm tăng nguy cơ ĐTĐ thai kỳ, và mối liên quan này vẫn có ý nghĩa sau khi hiệu chỉnh với BMI của người phụ nữ trước khi mang thai. Sử dụng khoai tây chiên cũng làm tăng nguy cơ ĐTĐ thai kỳ, tuy nhiên mối liên quan này không có ý nghĩa sau khi hiệu chỉnh với BMI người phụ nữ trước khi mang thai.

Nếu thay thế 2 phần khoai tây 1 tuần bằng các loại rau khác, các loạt hạt hay ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ ĐTĐ thai kỳ từ 9 đến 12%.
Tuy nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế như thiết kế của nghiên cứu chỉ là nghiên cứu quan sát nên giá trị bằng chứng chưa được cao. Thêm nữa, nghiên cứu thiếu mất một dữ kiện là mức độ tăng cân trong thai kỳ, đây có thể xem là một “lỗ hổng chết người” của nghiên cứu nhằm đánh giá mối liên quan của chế độ ăn và nguy cơ ĐTĐ thai kỳ.

Do những nhược điểm đó, trước khi xem khoai tây như một thức ăn có hại cần hạn chế, chúng ta cần chờ thêm nhiều bằng chứng mới đặc biệt là những can thiệp lâm sàng hoặc các RCT để làm sáng tỏ hơn cho vấn đề này. Trong thời gian chờ thêm bằng chứng, do giá trị dinh dưỡng của khoai tây khá cao nên chúng ta chưa nên khuyên mọi người hạn chế sử dụng thực phẩm này. Tuy nhiên, việc sử dụng với mức độ như thế nào cũng cần cẩn trọng do những bằng chứng đã có về mối liên quan của khoai tây và bệnh lý ĐTĐ type 2 cũng như ĐTĐ thai kỳ.

Nguồn: BMJ 2016352 
doi: http://dx.doi.org/10.1136/bmj.h6898
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK