Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 23-11-2015 3:49pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tờ báo “Occupational & Environment Medicine”, làm việc trong nhiều giờ liên tục và thường xuyên tham gia mang vác nặng có thể ảnh hưởng tới khả năng có thai của phụ nữ.



Theo nghiên cứu, những phụ nữ làm việc hơn 40 giờ trong 1 tuần mất nhiều hơn khoảng 20% thời gian để có thai so với những phụ nữ làm việc từ 21 - 40 giờ trong tuần.
 
Tác giả chính của nghiên cứu, TS. Audrey J. Gaskins, làm việc tại Trường Sức khoẻ Cộng đồng Harvard T.H. Chan ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, cùng các cộng sự đã phân tích dữ liệu từ 1.739 phụ nữ ở độ tuổi trung bình là 33 tuổi tham gia vào Nghiên cứu Sức khoẻ của Điều dưỡng từ năm 2010 – 2014.

Tất cả phụ nữ trong phân tích đều mong muốn và cố gắng để có thai. Vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu, các đối tượng tham gia hoàn thành 1 bảng câu hỏi về lịch làm việc chi tiết của họ cũng như công việc tay chân. Nhóm nghiên cứu đánh giá những người tham gia mỗi 6 tháng để xác định khoảng thời gian họ có thai.

Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 44% phụ nữ tham gia nghiên cứu là thừa cân hoặc béo phì, trong khi đó 22% hiện đang hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc. Hầu hết các phụ nữ chỉ làm việc ban ngày hoặc ban đêm, 16% làm việc theo ca luân phiên. Hơn 30% phụ nữ báo cáo rằng họ làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày, trong khi đó 40% nói rằng họ khuân vác những vật nặng tới 5 lần mỗi ngày.

Kết quả thu được cho thất sau 12 tháng, 16% phụ nữ tham gia nghiên cứu vẫn chưa thể có thai, 5% chưa có thai sau 2 năm. So sánh với nhóm phụ nữ làm việc từ 21 – 40 giờ mỗi tuần, những người làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần mất nhiều hơn khoảng 20% thời gian để có thai. Hơn thế nữa, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những phụ nữ di chuyển hoặc khuân vác những vật có trọng lượng ít nhất 11,3 ký (25 pound) hơn 15 lần trong 1 ngày mất nhiều hơn khoảng 50% thời gian để có thai so với những phụ nữ không bao giờ mang vác hoặc di chuyển các vật nặng. Sau khi điều chỉnh cho các chu kỳ kinh nguyệt không đều – 1 yếu tố ảnh hưởng tới khả năng thụ thai – các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ thường xuyên mang vác hoặc di chuyển các vật nặng vẫn tốn nhiều hơn 33% thời gian để có thai. Mối liên hệ giữa việc mang vác nặng và khoảng thời gian lâu hơn để có thai càng rõ ràng hơn ở những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì. Không có mối liên hệ nào giữa tần suất làm việc ban đêm và khoảng thời gian để có thai được ghi nhận. Tương tự, không tồn tại mối liên hệ nào giữa khoảng thời gian luân ca hoặc không luân ca làm việc ban đêm và khoảng thời gian cần để có thai.

TS. Gaskins phát biểu: “Các kết quả của chúng tôi cho thấy làm việc nặng, cả ở dạng căng thẳng về thể xác và nhiều giờ liên tục, gây ra ảnh hưởng bất lợi cho khả năng có thai của điều dưỡng nữ”. TS. Gaskins cho rằng các nhà nghiên cứu không có khả năng xác định nguyên nhân chính xác cho các phát hiện của họ. “Trong khi chúng tôi nỗ lực kiểm soát rất nhiều biến số có khả năng giải thích mối liên quan này – ví dụ như chu kỳ kinh nguyệt không đều, thời gian ngủ, lối sống có khả năng bất lợi cũng như những phơi nhiễm trong công việc  - dường như không có yếu tố nào trong số này có thể giải thích hoàn chỉnh những mối liên quan này. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nhiều biến số trong nghiên cứu, như tần suất của các lần quan hệ tình dục, cũng như căng thẳng liên quan tới công việc và mệt mỏi. Do đó, rất khó để xác định xem liệu những mối liên quan này có phải là kết quả của những yếu tố tác động khác trong lối sống,  hoặc do một nguyên nhân nào đó mang tính sinh học hơn, chẳng hạn như rối loạn điều hoà nhịp sinh học”.

Courtney Lynch, 1 chuyên gia sức khoẻ sinh sản tại Đại học bang Ohio, cho rằng các phát hiện này có thể chỉ đơn giản là do giảm tần suất quan hệ tình dục do kiệt sức về mặt thể chất từ việc mang vác nặng. Hơn thế nữa, vì nghiên cứu chỉ bao gồm các phụ nữ là điều dưỡng, nên theo TS. Gaskins, rất khó để nói rằng liệu các phát hiện của họ có thể áp dụng cho nhóm phụ nữ nói chung hay không.
(Nguồn: medicalnewstoday 8/2015.)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK