Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 22-10-2015 8:42pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS Hê Thanh Nhã Yến


 
Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp nhằm so sánh hiệu quả duy trì giảm gò, sau một đợt điều trị doạ sinh non, của các thuốc progesterone dùng đường âm đạo với nhóm chứng (giả dược hoặc không điều trị) vừa được đăng tải trên Tạp chí chuyên ngành sản phụ khoa Hoa Kỳ (AJOG) số tháng 10/2015.

Cơ sở dữ liệu của phân tích là các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng trên phụ nữ mang đơn thai được điều trị đợt doạ sinh non ổn, sau đó được ngẫu nhiên phân vào nhóm sử dụng progesterone đường âm đạo hoặc vào nhóm chứng. Những trường hợp ối vỡ non hoặc sử dụng progesterone tiêm bắp hoặc uống sẽ được loại ra khỏi nghiên cứu.

Sau tìm kiếm qua các công cụ như MEDLINE, OVID, Scopus, ClinicalTrials.gov, và thư viện các thử nghiệm đối chứng trên Cochrane, có 5 nghiên cứu với tổng cộng 441 trường hợp đơn thai được đưa vào phân tích. Kết quả ghi nhận, phụ nữ trong nhóm sử dụng progesterone có nguy cơ sanh non < 37 tuần thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (42% so với 58%; nguy cơ tương đối: 0,71; khoảng tin cậy 95%: 0,57 – 0,90; 3 nghiên cứu, cỡ mẫu 298). Bên cạnh đó, nhóm phụ nữ sử dụng progesterone còn có thời gian kéo dài thai kỳ tăng hơn (thời gian trung bình 13,8 ngày; khoảng tin cậy 95%: 3,97-23,63; 4 nghiên cứu, cỡ mẫu 368); tỉ lệ doạ sinh non lặp lại thấp hơn (24% so với 46%; nguy cơ tương đối: 0,51; khoảng tin cậy 95%: 0,31 – 0,84; 2 nghiên cứu, cỡ mẫu 122) và tỉ lệ nhiễm trùng sơ sinh thấp hơn (2% so với 7%; nguy cơ tương đối: 0,34; khoảng tin cậy 95%: 0,12 – 0,98; 4 nghiên cứu, cỡ mẫu 368).

Như vậy, duy trì giảm gò bằng progesterone đường âm đạo có thể làm giảm nguy cơ sinh non, kéo dài thai kỳ, giảm nhiễm trùng sơ sinh. Tuy nhiên, các tác giả cũng ghi nhận do chất lượng các nghiên cứu chưa thật sự tốt nên chứng cứ này chưa đủ đưa ra khuyến cáo thay đổi thực hành lâm sàng. Cần tiến hành thêm nghiên cứu thiết kế tốt hơn để làm rõ các kết quả tìm thấy từ phân tích gộp này.

 
NGUỒN: Vaginal progesterone for maintenance tocolysis: a systematic review and metaanalysis of randomized trials
Suhag, Anju et al.
American Journal of Obstetrics & Gynecology , Volume 213 , Issue 4 , 479 - 487 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK