Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-11-2015 4:22pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

 
Những biến đổi trên hệ vi sinh ở âm đạo của thai phụ gây ra bởi stress trong giai đoạn mang thai có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh của đường ruột và sự phát triển não bộ của trẻ, theo một nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí “Endocrinology”.



Theo các nhà nghiên cứu, việc phải đối mặt với stress trong thai kỳ có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ do những biến đổi trên thành phần vi khuẩn âm đạo của mẹ.

Trong quá trình sinh con qua ngả âm đạo, hệ vi sinh vật cư trú trong âm đạo của mẹ di chuyển sang trẻ. Hệ vi sinh vật này hỗ trợ cho sự cư trú bình thường ở đường ruột trẻ, từ đó giúp đỡ sự phát triển của hệ miễn dịch và chuyển hoá.

Theo tác giả nghiên cứu, TS. Tracy Bale, Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, do hệ vi sinh vật ở âm đạo mẹ ảnh hưởng tới sự cư trú tại đường ruột trẻ trong suốt giai đoạn quan trọng của sự phát triển não bộ, người ta tin rằng hệ vi sinh vật này cũng đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ.

Trong nghiên cứu của mình, Bale và các cộng sự tiến hành đánh giá xem liệu stress trong giai đoạn mang thai có thể ảnh hưởng tới dân số vi khuẩn trong âm đạo của thai phụ hay không, và bằng cách nào mà stress có thể tác động lên hệ vi sinh đường ruột và sự phát triển não bộ của trẻ. Họ thực hiện điều đó bằng cách cho phơi nhiễm chuột mang thai với các tác nhân gây stress trong giai đoạn đầu của thai kỳ, ví dụ như các tiếng ồn mới, mùi của các động vật ăn thịt và giam giữ chúng.

Các nhà nghiên cứu thu thập mẫu mô từ việc rửa âm đạo của những con chuột 2 ngày sau khi chúng sinh con, nhằm mục đích đánh giá hệ vi sinh ở âm đạo chúng. Nhóm nghiên cứu khảo sát hệ vi sinh ở đường ruột ở chuột con bằng cách phân tích phân của chúng, đồng thời cũng phân tích sự vận chuyển của các acid amin từ ruột chuột con tới não của chúng.

Kết quả cho thấy hệ vi sinh ở âm đạo chuột mang thai sẽ trải qua những biến đổi khi chúng phơi nhiễm với stress trong suốt giai đoạn đầu của thai kỳ, và những biến đổi này làm xáo trộn thành phần của hệ vi sinh vật ở ruột của các con chuột con. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy chuột con đực đặc biệt dễ bị xáo trộn thành phần hệ vi sinh ở ruột do các biến đổi trên hệ vi sinh ở âm đạo của mẹ chúng.
 
TS. Bale giải thích: “ Việc mẹ bị stress trong giai đoạn mang thai có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, bao gồm cả não bộ, thông qua các biến đổi trên hệ vi sinh ở âm đạo của mẹ di chuyển qua con trẻ trong quá trình sinh con qua ngả âm đạo. Khi hệ vi sinh ở âm đạo của mẹ bắt đầu cư trú trong đường ruột của trẻ sơ sinh, những biến đổi được tạo ra do stress của mẹ có thể làm thay đổi dân số vi khuẩn khởi đầu này cũng như quyết định nhiều biểu hiện của hệ miễn dịch của trẻ - những biểu hiện này cũng đồng thời được hình thành trong giai đoạn đầu này”.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các phát hiện của họ nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ vi sinh ở âm đạo của mẹ đối với hệ vi sinh cư trú ở đường ruột của trẻ, và các tác động tiêu cực do stress ở mẹ có thể do ảnh hưởng trên quá trình mang tính quyết định này. Mặc dù cần thêm nữa những nghiên cứu khác để kiểm chứng, các kết quả trên đã cho thấy việc khai thác và nhận diện những biến cố mà mẹ gặp phải khi mang thai, ví dụ như stress, có thể giúp ích trong việc theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ về sau.

(Nguồn: medicalnewstoday 6/2015)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK