Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 24-11-2015 8:43pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
TS. BS. Nguyễn An Nghĩa

Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

Theo kết quả một nghiên cứu vừa được đăng trong tháng 11/2015 trên JAMA số 17, trẻ khò khè tái đi tái lại sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh lý nặng đường hô hấp dưới khi được điều trị azithromycin ở giai đoạn có các dấu hiệu nhiễm trùng sớm so với trẻ nhận giả dược.
 

 

 

Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng, mù đôi này với 607 trẻ từ chín bệnh viện - đại học tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 04/2011 đến 12/2014. Các bệnh nhi tham gia nghiên cứu, độ tuổi thay đổi từ 12 đến 71 tháng, tất cả đều có biểu hiện khò khè nặng tái đi tái lại nằm trong bệnh cảnh chung nhiễm trùng đường hô hấp dưới và cần phải điều trị corticosteroid đường toàn thân, phải đi khám bác sĩ đột xuất không theo lịch hẹn do cơn bệnh, hoặc phải đến khám tại khoa cấp cứu, hoặc phải nhập viện. Trong số các trẻ này, 39,1% có biểu hiện dị ứng với ít nhất một dị nguyên, và 46,8% có nguy cơ cao mắc suyễn thông qua đánh giá điểm số tiên đoán suyễn.

 

Một nhóm 307 trẻ được điều trị azithromycin với liều 12 mg/kg/ngày trong 5 ngày, trong khi nhóm còn lại gồm 300 trẻ được nhận giả dược. Các bệnh nhi trong cả hai nhóm bắt đầu liệu trình điều trị ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Các nhà nghiên cứu đã so sánh xem có bao nhiêu trường hợp nhiễm trùng hô hấp dưới không tiến triển đến nhiễm trùng nặng và cần điều trị thêm corticosteroid đường uống.

Ở nhóm can thiệp, có 223 trẻ trải qua 473 đợt nhiễm trùng đường hô hấp dưới so với 464 đợt ở 220 trẻ nhóm giả dược. Nhiễm trùng hô hấp dưới nặng xảy ra 35 lần ở nhóm điều trị azithromycin và 57 lần ở nhóm nhận giả dược. Kết quả phân tích cho thấy azithromycin làm giảm đến 36% nguy cơ tiến triển tới nhiễm trùng hô hấp dưới nặng (tỷ số nguy cơ: 0,64; khoảng tin cậy 95% [CI]: 0,41 – 0,98; P = 0,04). Nguy cơ tuyệt đối của biến cố nhiễm trùng hô hấp dưới nặng là 5% ở nhóm dùng azithromycin và 8% ở nhóm nhận giả dược.  

Trị liệu azithromycin nhìn chung làm giảm độ nặng các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp dưới nặng so với giả dược, như đã được chỉ ra thông qua giá trị thấp hơn của điểm số trung bình đánh giá triệu chứng trong đợt nhiễm trùng hô hấp dưới. Không có khác biệt đáng kể về số trường hợp cần điều trị albuterol giữa hai nhóm, và 3,6% trẻ điều trị azithromycin phải đến khám tại khoa cấp cứu hoặc cần chăm sóc y tế khẩn cấp so với 5,4% ở nhóm trẻ nhận giả dược.

Các tác giả cũng phân lập được các tác nhân kháng azithromycin từ 12,2% trẻ điều trị với azithromycin và 8,9% trẻ điều trị giả dược ở tại thời điểm phân nhóm ngẫu nhiên. Khi nghiên cứu kết thúc, 20% trẻ trong nhóm nhận azithromycin và 17% trẻ trong nhóm giả dược có mang các tác nhân gây bệnh kháng azithromycin. Staphylococcus aureus là tác nhân kháng azithromycin được phân lập nhiều nhất.

Cơ chế tại sao azithromycin giúp giảm số ca nhiễm trùng hô hấp dưới nặng hiện vẫn chưa rõ, bên cạnh đó là những tranh cãi về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị trẻ khò khè. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận sự thật là mặc dù không được khuyến cáo chính thức, kháng sinh (thường là nhóm macrolides) vẫn được sử dụng khá rộng rãi trong thực hành lâm sàng đối với những trường hợp nhiễm trùng hô hấp dưới và các đợt suyễn. Điều này là một vấn đề quan trọng cần được đánh giá vì liên quan đến sự gia tăng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh.  

Một giả thuyết cũng đã được đưa ra nhằm lý giải cơ chế tại sao macrolide giúp giảm nhiễm trùng hô hấp dưới nặng. Giả thuyết này cho rằng kháng sinh nhóm macrolide mang đến hai tầng lợi ích cho nhóm đối tượng nghiên cứu, một từ hiệu quả kháng khuẩn và một từ hiệu quả kháng viêm.

Điều cần thiết kế tiếp trong tương lai nằm ở chỗ chúng ta cần thêm những nghiên cứu khác nhằm xác định những phân nhóm trẻ nào có khả năng hưởng lợi từ việc điều trị sớm azithromycin, vì hiện tại, những hậu quả do sử dụng azithromycin đại trà cho tất cả trẻ khò khè sẽ vượt hơn nhiều những lợi ích mà điều trị này mang lại.

(Nguồn: http://www.medscape.com)

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK